Monday, May 11, 2015

Truyện Lão Tử


Phần Truyện Lão Tử trong Sử Ký Tư Mã Thiên – Nhữ Thành (dịch)

Lão Tử người làng Khúc Nhân, Hưng Lệ huyện Khổ, nước Sở, họ Lý, tên Nhĩ, tên tự là Bá Dương, tên thụy là Đam. Ông làm quan sử giữ nhà chứa sách của nhà Chu.

Khổng Tử đến Chu, muốn hỏi Lão Tử về lễ, Lão Tử nói:
- Những người ông nói đều tan xương nát thịt cả rồi, chỉ còn lời nói của họ thôi. Vả lại, người quân tử gặp thời thì xe ngựa nghênh ngang; không gặp thời thì như cỏ bông xoay chuyển. Tôi nghe nói: "Người buôn giỏi thì biết giấu của báu, khiến người ta thấy dường như không có hàng, người quân tử có đức tốt thì diện mạo dường như ngu si (Hai câu này đều trong Đạo Đức Kinh). Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo cùng cái lòng ham muốn nhiều, cái vẻ hăm hở cùng cái chí tham lam đi. Những cái ấy không có ích gì cho ông. Tôi chỉ bảo ông có thế thôi.
Khổng Tử đi ra, bảo học trò:
- Con chim, ta biết nó bay; con cá ta biết nó lội; con thú ta biết nó chạy. Đối với loài chạy thì ta có thể dùng lưới để săn; đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt; đối với loài bay thì ta có thể dùng tên để bắn; đến như con rồng cưỡi mây cưỡi gió trên trời, ta không sao biết được! Hôm nay gặp Lão Tử, ông ta có lẽ là con rồng chăng?

Lão Tử trau dồi đạo đức, học thuyết của ông cốt ở chỗ giấu mình, kín tiếng. Ông ở nhà Chu đã lâu, thấy nhà Chu suy bèn bỏ đi. Đến cửa quan, quan coi cửa quan là Doãn Hỷ nói:
- Ông sắp đi ẩn rồi, hãy gắng vì ta mà làm sách.
Rồi Lão Tử bèn làm sách, gồm hai thiên thượng, hạ nói về ý nghĩa của "đạo" và "đức" hơn năm nghìn chữ. Đoạn ra đi, không ai biết chết như thế nào.

Có người nói:
- Lão Lai Tử cũng là người nước Sở, làm mười lăm thiên sách nói về công dụng của Đạo gia. Ông ta cũng sống một thời với Khổng Tử. Đạo khái Lão Tử sống hơn một trăm sáu mươi tuổi, có người nói ông hơn hai trăm tuổi, vì ông tu đạo để kéo dài tuổi thọ.

Sau khi Khổng Tử mất 129 năm, sử kí chép thái sử nhà Chu tên là Đàm yết kiến Tần Hiến Công, có nói:
- Lúc trước Tần hợp với Chu rồi lại tách, tách trăm năm rồi lại hợp, hợp bảy mươi năm rồi đấng bá vương sẽ xuất hiện.
Có người bảo Đam tức là Lão Tử, có người bảo là không phải. Đời không biết ai nói phải, ai nói không phải.

Lão Tử là người quân tử đi ở ẩn. Con của Lão Tử tên là Tông làm tướng nước Ngụy được phong ở đất Đoạn Can. Con của Tông là Chú, con của Chú là Cung, chút của Cung là Hà, Hà làm quan thời Hán Văn đế, con của Hà là Giải làm thái phó của Giao Tây Vương tên là Ngang, nhân đấy cư trú ở Tề. Người đời theo thuyết của Lão Tử thì bài bác Nho học, theo Nho học thì bài bác thuyết của Lão Tử. Phải chăng câu: "Đạo khác nhau không giúp cho nhau" là nghĩa như vậy? Lý Nhĩ chủ trương "vô vi" mà dân tự cảm hóa, "thanh tĩnh" mà dân tự quay về đường phải. {Chủ trương của Lão Tử là “thanh tĩnh” – (giữ tâm hồn được trong lặng) “vô vi” (không bị những ham muốn lôi cuốn)}.

Cuộc gặp giữa Khổng Tử và Lão Tử

Lão Tử tức Thái Thượng Lão Quân là một nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Hoa cổ đại, là người sáng lập trường phái Đạo gia (đạo Lão). Ông tên thật là Lý Nhĩ, tên thường gọi là lão Đam, người làng Khúc Nhân, hương Lệ, nước Sở. Ông làm chức quan giữ sách nhà Chu, học rộng biết nhiều, sau về quê ở ẩn. Tương truyền, trước khi về ở ẩn đến cửa quan, viên quan coi cửa là Doãn Hỉ bảo:"Ông sắp đi ở ẩn, rán vì tôi mà viết sách để lại". Thế là Lão Tử viết một cuốn sách chỉ gồm khoảng năm ngàn chữ bàn về "Đạo" và "Đức" (tức Đạo Đức Kinh). Viết xong rồi bỏ đi, về sau không ai còn nghe đến, không biết sống chết ra sao.

Tương truyền, Khổng Tử qua Chu thăm Lão Tử. Lão Tử cởi trâu ra tận đầu làng đón Khổng Tử. Hai người đàm đạo với nhau trong ba ngày về Đạo. Đến khi chia tay, Lão Tử bảo với Khổng Tử rằng:

"Những người ông nói đó, thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ mà thôi. Tôi nghe nói người giàu sang tiễn nhau bằng vàng bạc, người nhân tiễn nhau bằng lời nói. Tôi không phải là người giàu sang, tạm coi mình là người nhân mà tiễn ông bằng lời này: Người buôn giỏi thì giấu kĩ vật quý, xem ngoài như không có gì; người đức cao thì tướng mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòng đa dục, cái vẻ hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có ích gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi"

Khổng Tử về đến nhà suốt ba ngày không ra khỏi cửa, bảo với môn sinh rằng:
"Loài chim, ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó bơi được; loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, bơi thì dùng câu để bắt, bay thì dùng tên để bắn. Còn loài rồng cưỡi gió cưỡi mây mà bay lên trời thì ta không sao biết được. Nay ta gặp ông Lão Tử; ông là con rồng chăng ?"

Thực là ngược đời, cái triết học "ngược ngạo" của Lão tử lại sản sinh ra cái lý tưởng cao thượng nhất về hòa bình, khoan dung, giản phác và tri túc. Giáo huấn của ông gồm bốn điểm: trí tuệ nên như ngu độn, đời sống nên ẩn dật, xử thế nên nhu nhược và tánh tình nên giản phác. Ngay đến nghệ thuật Trung Hoa, từ ý thơ, ảo tưởng đến những lời tán tụng đời sống bình dị của tiều phu, ngư phủ cũng không thể thoát ly triết học đó mà tồn tại. Nguồn gốc của chủ nghĩa hòa bình của Trung Hoa là do cái quan niệm chịu nhận sự thất bại tạm thời để chờ cơ hội thuận tiện, và do lòng tin rằng vạn vật trong vũ trụ đều tuân theo cái luật vận hành phản phục; do đó không một kẻ nào vĩnh viễn "u mê" bao giờ.

Đến đời Tần-Hán, các đạo sĩ thuộc phái Đạo gia thờ Lão Tử nhưng không còn quan tâm nghiên cứu triết học Lão-Trang mà chỉ toàn lo bàn chuyện tu tiên, luyện thuốc trường sinh bất tử. Phái Đạo gia suy dần, tuy nhiên những tư tưởng của Lão Tử thì đã trở nên bất tử với thời gian. Theo các nhà nghiên cứu, tư tưởng của Lão Tử không chỉ là một triết học nhân sinh mà còn là vũ trụ quan tiên báo khoa học hiện đại.
(http://vforum.vn/diendan/showthread.php?28759-Triet-ly-cua-Lao-tu)

Phần sự tích Lão Tử trong Đông Du Ký (ST)


Nói về Lão Tử là một vị thánh, từ khi có trời đất đã xuống trần rất nhiều lần, song chưa có đầu thai. Sau đến đời Thương có nàng Ngọc Nữ tám tuổi, tự nhiên mang thai. Thiên hạ lấy làm quái gở. Ngọc Nữ mang thai tám mươi năm, nhằm đời vua Thương Võ Đinh, năm Canh Thìn, ngày rằm tháng hai, giờ sửu, Ngọc Nữ thấy trăng tỏ nên đi dạo dưới cội cây lý, liền nức hông bên tả, ông Lão Tử liền nhảy ra từ đó, chỉ cây lý mà nói rằng: “Họ ta đó”. Bà Ngọc Nữ kinh hãi, xem lại hông thì đã liền lại như trước. Sau bà ấy thành tiên. Còn Lão Tử khi mới ra đời râu tóc đã bạc, nên xưng là Lão Tử, lại có một hiệu khác là Lão Đam, lại mỗi tai có thêm môt tai bên trong, nên xưng là Lý Nhĩ, miệng rộng răng dày, thiên đình cao, râu tốt, mắt sáng, tai dài, sóng mũi cao, trên tráng có chỉ như hai chữ Thiên, tự là Bá Đương, quê quán tại nước Sở, huyện Khổ, làng Lại, xóm Khúc Nhân. Ngài là một vị thánh giáng sinh nên biến hóa vô cùng, khi đằng vân, cưỡi hạc về cung tiên, khi xuống trần thế.

Đời nhà Châu, vua Thành Vương. Lão Tử có ra làm quan Trụ Hạ Sử, sau ngài từ chức đi dạo tới nước Thiên Trước và Tây Phương. Khi Châu Khương Vương tức vị, ngài trở về Châu được hai ba năm, ngài lại cưỡi thanh ngưu đi giáo đạo nước Tây Vức, mới đi đến ải Hàm Cốc, độ cho quan huyện Doãn Hỷ.
Ông Doãn Hỷ chính là Nguyên Thủy Thiên Tôn giáng sinh, người huyện Thiên Thủy, khi bà mẹ còn mang thai ông Doãn Hỷ, chiêm bao thấy đoạn lụa đỏ trên trời sa xuống quấn quanh mình, sau sinh ông Doãn Hỷ thì xung quanh nhà sen mọc trổ hoa. Đến lớn ông có đôi mắt sáng như sao, râu dài như Lão Tử, rất giỏi thiên văn. Khi làm quan huyện tại ải Hàm Cốc, xem thiên văn thấy có thần tiên khí bên đông qua tây, biết có vị thánh đi ngang qua ải mình mà qua Tây Vức, liền nói với thơ lại rằng: “Nếu ngươi thấy người nào hình dung khác thường đi qua đây, thì báo cho ta biết”.

Đời Châu Khương Vương năm thứ hai mươi ba, hôm tháng bảy, ngày giáp tý, Lão Tử ngồi trên xe trắng, con trâu xanh kéo xe đến ải Hàm Cốc, Từ Giáp đánh xe. Thơ lại thấy Lão Tử cốt cách phi thường, liền báo với quan huyện, Doãn Hỷ nói: “Hôm nay ta chắc gặp thánh nhân”. Nói rồi áo mão tề chỉnh ra nghinh tiếp, quỳ mà thưa rằng: “Xin thầy thương tôi ở lại đây mà dạy dỗ!”. Lão Tử nói: “Ông nói lầm đó. Tôi là ông tiều, đi ra ngoài ải mà lấy củi, ông giữ tôi ở lại mà làm chi?”. Doãn Hỷ lạy và thưa rằng: “Thánh nhân không lẽ đi lấy củi, tôi biết thầy đi qua phương Tây, nên tôi sẵn sàng mở cửa ải mà đợi, cúi xin nán lại ít ngày!”. Lão Tử nói: “Tôi hỏi thăm đường đi qua ải, nghe đồn Cổ tiên sinh thông phép thần tiên, biết cơ trời đất, tôi tìm Cổ tiên sinh mà học, người giữ lại mà chi?”. Doãn Hỷ thưa rằng: “Tôi ngắm hình dung thầy, là thánh nhân giáng thế nên tôi quyết học ít nhiều, xin nhờ ơn dạy dỗ!”. Lão Tử hỏi: “Vì cớ nào mà thầy biết?”. Doãn Hỷ thưa rằng: “Tôi xem thiên văn thấy điềm trời biết có thánh nhân qua ải”. Lão Tử cười rằng: “Ngươi đã biết ta lẽ nào ta không biết ngươi?”. Ngươi đã có thần thông, chắc là học đạo dạy đời được đây”. Doãn Hỷ rước vào ải, làm lễ rồi thưa rằng: “Chẳng hay kẻ đệ tử có được biết hiệu của thầy chăng?”. Lão Tử nói: “Ta sinh nhiều đời nên họ biết bao nhiêu mà kể. Còn bây giờ ta họ Lý, tự Bá Dương”. Nói rồi ở hơn ba tháng mà dạy Doãn Hỷ đạo tiên.

Nói về Từ Giáp là kẻ đánh xe cho Lão Tử rất lâu năm. Lão Tử nói: “Ngươi đánh xe tới ải Hàm Cốc, thưởng bảy trăm ba chục muôn đồng tiền điếu”. Bởi cớ ấy nên Từ Giáp hỏi tiền. Lão Tử nói: “Ta đi tới nước này nước kia mới có, sẽ trả cho ngươi, và thưởng thêm. Bởi ba tháng nay ở tại đây nên không có tiền”. Từ Giáp nghe hứa, liền dắt thanh ngưu cho ăn cỏ ngoài đồng.

Lão Tử bẻ một nhành hoa, biến ra một gái rất đẹp, mà thử Từ Giáp. Từ Giáp thấy nàng ấy theo tỏ tình với mình thì mê lắm. Tính không đi theo Lão Tử nữa, muốn có tiền mà cưới nàng ấy, ở đó làm ăn. Liền đến quan kiện Lão Tử mà đòi bảy trăm ba chục muôn đồng điếu. Lão Tử nói: “Ngươi theo ta hai trăm năm nay, đáng lẽ đầu thai nhiều kiếp, nhờ ta cho uống lá bùa Thái Huyền nên ngươi trường thọ. Sao ngươi quên lời giao ước mà kiện ta?”. Nói xong thì thấy lá bùa trong miệng Từ Giáp bay ra, nét chữ tinh nguyên như mới vẽ. Từ Giáp ngã xuống, da thịt tiêu biến chỉ còn lại một đống xương khô. Doãn Hỷ quỳ lạy xin lỗi giùm Từ Giáp, và van xin người cải tử hoàn sinh. Lão Tử ném lá bùa vào đống xương, Từ Giáp hiện hình sống lại. Doãn Hỷ trả tiền y số cho Từ Giáp, rồi phạt cách nhẹ nhàng. Sau Từ Giáp tìm nàng ấy không được, hỏi ra mới biết là Lão Tử biến hóa mà thử mình, ăn năn đã muộn.

Ngày kia Lão Tử nói với Doãn Hỷ rằng: “Khi trước ta nói Cổ tiên sinh, thật là ta đó, nay giã từ đi dạo phương xa”. Doãn Hỷ quỳ lạy xin theo. Lão Tử nói: “Ta đi khắp nơi ngươi theo sao được?”. Doãn Hỷ thưa rằng: “Dù nhảy vào nước sôi, ngồi trên than lửa, sống thác cực khổ tôi cũng nguyện theo thầy”. Lão Tử nói: “Tuy ngươi có lòng như vậy, song mới tu còn non, chưa từng biến hóa thần thông, theo ta sao được. Ngươi cứ tu hành theo phép cho lâu, thì sau cũng như ta muốn đi đâu mà không được”. Nói rồi đưa ra cuốn Đạo Đức Kinh gồm năm nghìn ba trăm sáu mươi ba chữ, dặn rằng: “Ngươi cứ theo phép mà tu, rồi sau đi qua nước Thục, tìm ta tại Thanh Dương Tứ[1] ”. Nói rồi nhảy lên mây, hiện hào quang, ngồi trên xe trắng, trâu xanh kéo xe bay đi. Doãn Hỷ làm lễ, trông theo thầy mà khóc ròng. Rồi cứ xem kinh mà tu hành theo phép, lâu ngày thông thái đặt thêm cuốn kinh ba mươi sáu bài gọi là kinh Tây Thăng.
Đến ngày hẹn với Lão Tử,Doãn Hỷ qua nước Tây Thục, hỏi thăm chợ Thanh Dương mà tìm thầy, không ai biết chợ ấy mà chỉ, vì không có chợ nào tên Thanh Dương.

Nói về Lão Tử, từ khi về thiên cung, năm sau đầu thai vào nhà họ Lý tại Tây Thục là nhà có đức lớn. Khi sinh được ít tháng, có có con dê xanh đến giỡn chơi với em bé. Ấy là Lão Tử dặn thanh ngưu hiện xuống. Ngày kia con dê xanh chạy mất, em bé cứ khóc hoài, ông chủ cưng con, sai đầy tớ kiếm được thanh dương dắt ngang qua chợ. Doãn Hỷ trông thấy mừng rỡ bàn rằng: “Chợ có dê xanh là Thanh Dương Tứ, chắc thánh sư ở tại chốn này”. Nghĩ rồi hỏi thằng nhỏ rằng: “Ngươi dắt con dê ấy đi đâu vậy?”. Thằng đầy tớ nói: “Chủ tôi sinh một người con trai, cách ít tháng có con dê này tới giỡn với tiểu chủ. Hôm nay nó đi mất, tiểu chủ cứ khóc hoài, nên chủ tôi sai đi kiếm”. Doãn Hỷ đi theo gần tới nhà dặn rằng: “Ngươi vào trước thưa với tiểu chủ, nói có Doãn Hỷ đi tìm”. Thằng đầy tớ nực cười, nghĩ thầm rằng: “Con nít mới thôi nôi, biết chi mà báo tin”. Liền bước vào nhà vừa nói vừa cười: “Có Doãn Hỷ tìm cậu!”. Em bé nghe nói, vùng ngồi dậy, lấy áo mặc vào và nói rằng: “Doãn Hỷ y lời không đến trễ”. Kế đó Doãn Hỷ bước vào, thấy em bé lớn lên như người thường, ngồi trên tòa sen, hào quang sáng chói. Nội nhà ai nấy đều kinh hãi, người ấy nói: “Ta là Lão Tử đầu thai một lần nữa!”. Doãn Hỷ mừng rỡ lạy mà thưa rằng: “Không ngờ tôi có phước gặp thầy tại chốn này”. Lão Tử nói: Lúc trước ta chẳng dắt ngươi theo, là sợ tu không bền chí, nay ngươi tu luyện đã kỹ lưỡng, hào quang ẩn ẩn muốn hiện, có thể niệm chú gọi thần tiên xuống hầu. Phong Doãn Hỷ chức Nguyên Thủy chưởng giáo, coi cai trị tám vạn thần tiên, lại truyền phép nội nhà tu luyện, hơn trăm nhân khẩu đều thành tiên.

Đời vua Châu Kinh Vương năm thứ mười bảy, Khổng Tử qua nước Châu hỏi Lão Tử về đạo đức lễ nghi. Lão Tử nói rằng: “Những người ông nói đó,thịt xương đều nát cả rồi, chỉ còn lại lời của họ mà thôi. Vả lại người quân tử gặp thời thì ngồi xe ngựa, không gặp thời thì đội nón lá mà đi chân đất. Tôi nghe nói người buôn giỏi thì giấu kỹ vật quý, coi ngoài như không có gì; người quân tử đức cao thì dung mạo như ngu độn. Ông nên bỏ cái khí kiêu căng, cái lòn đa dục, cái lòng hăm hở cùng cái chí quá hăng của ông đi, những cái đó không có giúp gì cho ông đâu. Tôi chỉ khuyên ông có bấy nhiêu thôi”. Phu Tử lui về khen rằng: “Điểu, ngô tri kỳ năng phi; ngư ngô tri kỳ năng du; long tại phong vân chi trung, ngô bất tri kỳ cao hạ. Lão Tử vi kỳ long. (Nghĩa là: Ta biết con chim bay; ta biết con cá lội; chứ con rồng trong mây gió, ta khó biết cao thấp. Lão Tử như con rồng vậy.)


Đời Liệt Vương năm thứ ba, Lão Tử đến nước Tần nói chuyện với Hiến Công rồi về.

Đời Noãn Vương năm thứ chín, Lão Tử hiện thân tại núi Côn Lôn là cảnh cũ tại cung Huyền Đô (cung Đâu Xuất).

Đời Tần, Lão Tử hiện thân, xưng hiệu Hà Thượng Công dạy An Kỳ học đạo.

Đời Hán vua Văn Đế, Lão Tử hiện thân, xưng hiệu là Quảng Thành. Vua mộ đạo cho sứ đi rước. Thầy Quảng Thành nói: “Lẽ nào không đi tới, mà sai sứ rước thầy, sao gọi là trọng đạo?”. Sứ thần về tâu lại. Vua Hán Văn Đế ngự đến phán hỏi rằng: “Ở trong đất nước tôi là vua, thầy tuy đắc đạo nhưng cũng là dân của trẫm, sao không chịu phục, lẽ nào làm kiêu như vậy. Hay là nói trẫm làm họa phước không được chăng?”. Thầy Quảng Thành nghe nói, bay lên một trăm thước, ngồi trên không ngó xuống nói rằng: “Nay trên chẳng tới trời, dưới không tới đất, giữa chẳng theo người, nào có phải dân của ai, Bệ hạ làm họa phước cho ta sao được!”. Văn Đế biết lỗi, xuống xe làm lễ, xin được truyền đạo, thầy Quảng Thành cho một cuốn kinh. Sau qua đời Hán Thành Đế, Lão Tử giáng sinh tại suối Khúc Dương truyền phép cho Vu Kiết.

Đời An Đế, Lão Tử truyền cuốn Tội Phước Tân Khoa cho Lưu Tiên, tới đời vua Trinh Đế xuống truyền cuốn kinh Bắc Đẩu cho Trương Thiên Sư.

Đời Hoàn Đế xuống núi Thiên Thai truyền kinh Bác Động cho Vạn Niên tiên sinh. Hán Minh Đế, Lão Tử xuống truyền kinh cho Trương Thiên Sư lần nữa. Qua đời Đường Cao Tổ, Lão Tử xuống truyền đạo cho Đường Công tại núi Vương Giác.

Đời Tống có xuống động Hoa Dương truyền kinh Độ Mạng cho Lương tiên sinh…

Đời nào ngài cũng giáng thế độ người không kể xiết. Trong sử nói: Khi Lão Tử lên mây bay qua Tây Vức, vua Chiêu Vương thấy hào quang ngũ sắc chiếu tại cung Tử Vi. Tức thì truyền chỉ hỏi quan Khâm Thiên Giám có điềm chi chăng? Khâm Thiên Giám tâu rằng: “Điềm thánh nhân về hướng Tây, một nghìn năm nữa mới trở lại Trung Hoa”. Quả thật một nghìn năm sau, đến đời vua Hán Vĩnh Bình, đạo Phật vào Trung Hoa, nên Phật, Lão hai đạo không khác nhau bao nhiêu.

Đời Đường Cao Tổ, ở Phổ Châu có một người tên là Thiên Hành đi ngang núi Dương Sơn gặp một ông già mặc áo trắng nói rằng: “Ngươi về tâu với Đường thiên tử rằng: Thái Thượng Lão Quân là ông nội của hắn” (Bởi Lão Tử thành tiên lấy hiệu là Thái Thượng Lão Quân). Đường Cao Tổ hay tin ấy, lập miếu mà thờ. Sau đến đời Đường Cao Tông tôn hiệu là Huyền Nguyên hoàng đế. Sau có vua Minh Hoàng giảng kinh Đạo Đức.

Đời Tống vua Chân Tông phong hiệu Thái Thượng Lão Quân Hỗn Nguyên Chí Đức hoàng đế.
_____
[1] Thanh Dương Tứ: chợ Thanh Dương.

'Chân dung Lão Tử' trong đạo Cao Đài


老子

A: Lao-Tze.

P: Lao-Tseu.

Lão: Già, ông già. Tử: thầy.

Đức Lão Tử là Giáo chủ của Lão giáo (Tiên giáo).
Đức Lão Tử là chơn linh của Đức Thái Thượng Đạo Tổ giáng trần vào thời nhà Thương bên Tàu.

Đức Thái Thượng Đạo Tổ, còn gọi là Đức Thái Thượng Đạo Quân, là Đấng do khí Tiên Thiên hóa sanh thuở chưa tạo Thiên lập Địa.

Tiên Thiên Khí hóa,Thái Thượng Đạo Quân. (Kinh Tiên giáo)

Đức Thái Thượng Đạo Tổ là Ông Thủy Tổ của Đạo Tiên. Ngài có pháp lực vô biên, biến hóa vô cùng, khi hiện xuống cõi trần để độ những người có duyên phần, khi trở về cõi Thượng Thiên.

Theo sách Tam Hoàng Thiên Kinh, Đức Thái Thượng hiện xuống cõi trần rất nhiều lần, kể ra sau đây:

Vào thời Thái cổ nước Tàu:









  • Đời Thiên Hoàng Thị, Ngài là Bàn Cổ.
  • Đời Địa Hoàng Thị, Ngài là Vạn Pháp Thiên Sư.
  • Đời Nhơn Hoàng Thị, Ngài là Đại Thanh Tử.

    ■ Vào thời Thượng cổ, cũng ở nước Tàu:
  • Đời vua Phục Hy, Ngài là Huất Hoa Tử.
  • Đời vua Thần Nông, Ngài là Xích Tùng Tử.
  • Đời vua Huỳnh Đế, Ngài là Quảng Thành Tử.
  • Đời vua Thiếu Hạo, Ngài là Tùy Ưng Tử.
  • Đời vua Chuyên Húc, Ngài là Xích Tinh Tử.
  • Đời vua Nghiêu, Ngài là Vụ Thành Tử.
  • Đời vua Thuấn, Ngài là Y Thọ Tử.
  • Đời vua Hạ Võ, Ngài là Chân Hành Tử.
  • Đời vua Thành Thang, Ngài là Tích Tắc Tử.

    Đến đời vua Võ Đinh nhà Thương (1324 trước Tây lịch), Đức Thái Thượng Đạo Tổ mới giáng sanh xuống trần là Lão Tử. Việc giáng sanh của Ngài rất huyền diệu phi thường.

    Theo truyền thuyết kể lại, vào đời vua Bàn Canh nhà Thương (1461 trước Tây lịch), có một nàng con gái gọi là Ngọc Nữ vừa được 8 tuổi, con của một gia đình đạo đức, ra chơi sau vườn, thấy trên cây lý có một trái chín thật ngon, cô liền hái ăn. Ăn xong, cô cảm thấy mỏi mệt và có thai.
    Cha của Ngọc Nữ thấy sự lạ kỳ, liền toán quẻ Âm Dương, đoán biết có một vị Đại Tiên giáng trần trong bụng con gái của mình, nên mừng rỡ và nuôi con gái rất kỹ.

    Nàng Ngọc Nữ chịu mang thai như vậy mãi cho đến già mà không đẻ. Đến năm Ngọc Nữ 80 tuổi, tức là đã mang thai ngót 72 năm, lúc đó đã qua 3 đời vua nhà Thương là: Vua Bàn Canh, vua Tiểu Tân, vua Tiểu Ất, và bắt đầu đời vua Võ Đinh (1324 trước TL), Bà Ngọc Nữ thấy trăng tỏ, bèn đi dạo chơi nơi vườn. Khi đi ngang cội cây lý ngày xưa thì đứa con từ trong bụng theo nách mẹ nhảy ra ngoài. Bà giựt mình kinh hãi, coi lại nách mình liền lại như thường. Đứa con nhảy ra, đã ở trong bụng mẹ 72 năm nên đầu tóc bạc trắng, mới gọi là Lão Tử (con già). Lúc đó là giờ Sửu ngày15 tháng 2 âm lịch năm Canh Thìn.
    Lão Tử chỉ cây Lý bảo rằng đó là họ của Ngài. Ngài xưng hiệu là Lão Đam, tự là Bá Đương, lại mỗi bên tai có 3 lỗ nên còn gọi Ngài là Lý Nhĩ.
    Ngài có miệng rộng, răng thưa, thiên đình cao, râu tốt, mắt vắn, tai dài, sóng mũi cao lớn như chẻ hai, trên trán có đường nhăn như 3 chữ Tam Thiên.

    Cội cây Lý, nơi giáng sanh của Đức Lão Tử, ở tại xóm Khúc Nhơn, làng Lại, huyện Khổ, nước Sở, ngày nay thuộc tỉnh An Huy và tỉnh Hồ Nam.

    Do đó, trong Kinh Tiên giáo có câu:
    Nhị ngoạt thập ngũ,
    Phân tánh giáng sanh.
    Nghĩa là:
    Ngày 15 tháng 2,
    Chiết chơn linh giáng sanh xuống cõi trần.

    Đức Lão Tử có giáng cơ cho biết năm giáng sanh của Ngài trong 4 câu thơ sau đây:
    LÝ đào mầm tược tượng long lân,
    LÃO luyện đơn thành nhị xác thân.
    TỬ phủ ngồi tu lo nấu thuốc,
    GIÁNG sanh Thương đợi Võ Đinh quân.
    Khoán thủ 4 chữ: Lý Lão Tử giáng, và câu thơ chót có nghĩa là: Giáng sanh vào thời nhà Thương, đợi đến vua Võ Đinh mới chào đời.

    Hết thời nhà Thương, qua đến thời nhà Châu, đời vua Thành Vương (1115 trước TL), Lão Tử có ra làm quan Trụ Hạ Sử tại Tàng Thư Viện nhà Châu để có cơ hội nghiên cứu Thái Cực Đồ. Ngài độ được Từ Giáp là người giữ Tàng Thư Viện, và sau đó, hai thầy trò từ chức để đi dạo các nước Thiên Trúc và Tây phương. Đến đời vua Châu Khương Vương, nối tiếp vua Thành Vương, Lão Tử trở về, đặng 3 năm thì Ngài lại đi giáo đạo miền Tây vức. Ngài ngồi xe trắng trâu xanh do Từ Giáp đánh xe, khi đến ải Hàm Cốc, quan Doãn giữ ải tên là Hỷ (nên thường gọi là Doãn Hỷ) coi Thiên văn biết có một vị Đại Thánh sắp đi qua ải, nên chuẩn bị mặc triều phục nghinh tiếp. Khi thấy Đức Lão Tử tới, biết Ngài là Thánh nhân nên tôn Đức Lão Tử làm thầy, xin theo học đạo.

    Nguyên Ông quan Doãn Hỷ nầy là chơn linh của Nguơn Thủy Thiên Tôn giáng trần. Khi Bà mẹ có nghén Ông thì chiêm bao thấy một đoạn lụa đỏ từ Trời sa xuống vấn quanh mình, sau sanh ra Doãn Hỷ thì thấy sen mọc quanh nhà trổ bông. Ngài lớn lên, con mắt sáng như sao, râu dài, tướng tốt, có tài xem Thiên văn. Khi làm quan Doãn giữ ải Hàm cốc, Doãn Hỷ nhìn lên bầu Trời thấy một vầng mây tím bay ngang từ huớng Đông qua hướng Tây, Ngài biết đó là điềm có Thánh nhân sắp qua ải đi về hướng Tây, nên chuẩn bị chu đáo để nghinh tiếp.

    Do đó, trong Kinh Tiên giáo có câu:
    Tử khí đông lai,
    Quảng truyền Đạo Đức.
    Nghĩa là:
    Vầng khí mây màu tím từ hướng Đông bay tới,
    Rộng truyền Kinh Đạo Đức.

    Nhắc lại, khi Lão Tử đến ải Hàm Cốc, thấy Doãn Hỷ có lòng thành nên bằng lòng ở lại Hàm Cốc ngót ba tháng để dạy đạo cho Doãn Hỷ.
    Khi thấy Đức Lão Tử chuẩn bị ra đi thì Doãn Hỷ bạch thầy xin cho biết danh tánh và tình nguyện đi theo thầy.
    Đức Lão Tử đáp:
    - Ta sanh ra đã nhiều đời, tên họ có biết bao nhiêu mà kể. Hiện thời, người đời gọi Ta là Lão Tử. Ngươi có lòng muốn theo Ta, song ngươi mới tu luyện còn non, chưa từng biến hóa thần thông, thì theo Ta sao đặng. Ngươi cứ tu hành theo phép đã dạy cho lâu thì sau nầy cũng được như Ta, đi đâu cũng đặng.
    Nói rồi, Đức Lão Tử truyền cho Doãn Hỷ quyển sách Đạo Đức Kinh gồm 5363 chữ, dặn rằng:
    - Ngươi cứ theo sách nầy mà học, tu đúng phép 1000 ngày, rồi đi qua nước Thục, tìm Ta tại chợ Thanh Dương.
    Nói xong, Đức Lão Tử lên xe trắng trâu xanh, Từ Giáp đánh xe, hiện hào quang đi về hướng Tây mất dạng.
    Doãn Hỷ ngó theo thầy, lạy tạ.
    Sau đó, Doãn Hỷ cứ học theo Đạo Đức Kinh mà tu, lâu ngày trở nên thông huệ, tự viết ra được một cuốn sách gồm 36 bài gọi là Kinh Tây Thăng.
    Gần đến kỳ ước hẹn với thầy, Doãn Hỷ sửa soạn đi tìm thầy y như lời thầy đã dặn. Khi đến nước Thục, Doãn Hỷ hỏi thăm chợ Thanh Dương ở đâu thì không một ai biết cả.
    Lúc ấy, Đức Lão Tử đã trở lại Thiên Cung, rồi lại xuống trần đầu kiếp vào nhà họ Lý ở nước Thục, là nhà đạo đức hiền lương. Khi vợ họ Lý sanh được bé trai ít tháng thì có một con dê xanh (Thanh dương) đến chơi giỡn với bé. Đó là Đức Lão Tử dặn con Thanh dương ở Thiên cung hiện xuống.
    Ngày kia con dê xanh chạy đâu mất, cậu bé khóc hoài. Họ Lý phải sai đầy tớ đi khắp nơi tìm kiếm, bắt gặp dê xanh dẫn về, đi ngang qua một cái chợ.
    Doãn Hỷ đang lúc hỏi thăm để tìm chợ Thanh dương, bỗng thấy có người dắt con dê xanh đi qua chợ, liền chợt nghĩ rằng chắc thầy mình đang ở chỗ nầy. Nghĩ vậy, Doãn Hỷ liền chạy theo người dắt dê xanh hỏi:
    - Chú dắt con dê nầy đi đâu vậy?
    Người ấy đáp:
    - Chủ tôi có sanh một cậu trai, cách ít tháng có con dê nầy tới chơi với cậu nhỏ. Bữa kia nó đi mất, cậu nhỏ cứ khóc hoài. Chủ tôi sai tôi đi tìm kiếm mà dắt về.
    Doãn Hỷ đi theo người đầy tớ ấy đến nhà thì bảo người đầy tớ:
    - Chú vào thưa với cậu nhỏ là có Doãn Hỷ đến tìm.
    Anh đầy tớ cười thầm: Cậu nhỏ chưa giáp thôi nôi, biết chi mà thưa với gởi, nhưng anh ta cũng vào nói:
    - Có Doãn Hỷ đến tìm cậu.
    Cậu bé nghe nói thế liền ngồi dậy đáp:
    - Doãn Hỷ y lời, không đến trễ.
    Kế đó Doãn Hỷ bước vào. Bỗng thấy cậu bé vùng lớn lên như người thường, ngồi trên tòa sen, hào quang sáng lòa. Cả nhà đều kinh hãi. Người ấy nói:
    - Ta là Lão Tử đầu thai một lần nữa.
    Doãn Hỷ mừng rỡ, đến lạy thầy. Lão Tử nói:
    - Khi trước, Ta chẳng dắt ngươi theo vì sợ ngươi tu không bền chí. Nay ngươi đã tu luyện kỹ lưỡng, hào quang ẩn ẩn muốn lòa.
    Nói rồi, Đức Lão Tử niệm chú, truyền cho Thần Tiên xuống hầu, phong Doãn Hỷ phục chức Nguơn Thủy Chưởng giáo, cai trị 8 vạn Thần Tiên, lại truyền phép cho cả nhà họ Lý tu thành Tiên hết thảy.

    Về sau, đến đời vua Châu Kỉnh Vương, Đức Khổng Tử qua kinh đô nhà Châu học Lễ, nghe nói có Đức Lão Tử tại đó, liền đến xin ra mắt và hỏi Đức Lão Tử về Lễ. (Chuyện gặp gỡ nầy có chép trong sách Sử Ký của Tư Mã Thiên).
    Đức Khổng Tử chủ trương theo các nghi lễ của các vua đời trước, nhưng Đức Lão Tử bác bỏ ý kiến đó, nói rằng:
    - Những người mà Ông nói đó đều tan xương nát thịt cả rồi, chỉ còn lời nói của họ mà thôi. Vả lại, người quân tử gặp thời thì xe ngựa nghinh ngang, không gặp thời thì tay vịn nón lá mà đi chơn không. Tôi nghe nói: Người buôn giỏi thì biết giấu của báu, khiến người ta thấy dường như không có hàng; người quân tử có đức tốt thì diện mạo thường như ngu si. Ông nên bỏ cái khí kiêu ngạo cùng cái lòng ham muốn nhiều, cái vẻ hăm hở cùng cái khí tham lam đi, những thứ ấy đều không ích chi cho Ông. Tôi chỉ nói với Ông có thế thôi.Đến khi Đức Khổng Tử cáo từ, Đức Lão Tử tiễn Đức Khổng Tử ra cửa và nói:- Tôi nghe nói: Người giàu sang lấy tiền bạc để tiễn nhau, người nhân đức dùng lời nói để tiễn nhau. Tôi không thể làm người giàu sang, nhưng trộm lấy tiếng là người nhân đức, xin có lời nầy tiễn Ông: Kẻ thông minh và sâu sắc là gần cái chết vì họ khen chê người ta một cách đúng đắn; kẻ giỏi biện luận, đầu óc sâu rộng làm nguy hiểm đến thân mình vì họ nêu lên cái xấu của người khác. Kẻ làm con không có cách nào để giữ mình, kẻ làm tôi cũng không có cách gì để giữ mình.(Ý của Đức Lão Tử, khi nói ra các lời trên với Đức Khổng Tử, là Ngài chống lại sự thông minh, sự Trung và sự Hiếu, là những nguyên lý mà Đức Khổng Tử đang chủ trương, bởi vì: Có trí khôn thì dễ nguy, nếu cứ theo Trung và Hiếu thì cứ hoàn toàn bị lệ thuộc vào vua và vào cha mẹ, khó lòng được sống tự do tự tại, ung dung thơ thới.)
    Đức Khổng Tử ra về, nói với các học trò:- Con chim, ta biết nó bay; con cá ta biết nó lội, con thú ta biết nó chạy. Đối với loài chạy thì ta có thể dùng lưới để săn, đối với loài lội thì ta có thể dùng câu để bắt, đối với loài bay thì ta có thể dùng cung tên mà bắn, đến như con rồng cỡi mây cỡi gió lên Trời, ta không sao biết được. Hôm nay, gặp được Lão Tử, Ông ta có lẽ là con rồng chăng?Kể từ đó về sau, Đức Lão Tử không đầu thai xuống trần nữa. Khi biết người nào có duyên phần thì Ngài dùng thần thông hiện xuống cõi trần để dạy đạo cho người ấy tu luyên, rồi Ngài trở lại Cung Tiên.

    Đến đời nhà Tấn, Đức Lão Tử có hiện xuống xưng là Hà Thượng Công dạy An Kỳ học đạo.

    Đến đời vua Hán Văn Đế, Đức Lão Tử hiện xuống trần, xưng là Quảng Thành Tử. Hán Văn Đế rất mộ đạo, sai sứ đến rước về triều. Quảng Thành Tử nói:
    - Lẽ nào không đích thân tới rước mà lại sai sứ đến?
    Sứ giả về tâu lại, Hán Văn Đế đến gặp Quảng Thành Tử, nhà vua nói:
    - Ở trong nước là bề tôi của vua, thầy tuy có đạo mặc dầu, song cũng là dân của Trẫm, sao không chịu sụt lại một chút mà làm kiêu như vậy? Hay là Trẫm không làm được họa phước cho thầy chăng?
    Quảng Thành Từ nghe vua nói như vậy, liền cất mình bay lên cao độ 100 thước, ngồi trên thinh không, ngó xuống nói với vua Hán Văn Đế rằng:
    - Nay, trên chẳng tới Trời, dưới chẳng tới Đất, Bệ hạ làm họa phước cho ta sao đặng.
    Vua Hán Văn Đế biết lỗi, liền bước xuống xe làm lễ, xin thọ giáo. Quảng Thành Tử đưa cho nhà vua một cuốn kinh bảo cứ học theo đó mà tu luyện.

    Qua đến đời vua Hán Thành Đế, Đức Lão Tử lại hiện xuống tại suối Khúc Dương , truyền đạo cho Vu Kiết.

    Đời vua Hán An Đế, Đức Lão Tử truyền Kinh Tội Phước Tân Khoa cho Lưu Tiên.

    Đời vua Hán Trinh Đế, Đức Lão Tử hiện xuống truyền Kinh Bắc Đẩu cho Trương thiên Sư.

    Đời vua Hán Hoàn Đế, Đức Lão Tử hiện xuống núi Thiên Thai truyền Kinh Bác Động cho Vạn Niên Tiên sinh.

    Đời vua Hán Linh Đế, Đức Lão Tử hiện xuống truyền kinh cho Trương Thiên Sư một lần nữa.

    Qua đời nhà Đường, Đức Lão Tử hiện xuống tại núi Dương Giác, truyền đạo cho Đường Công.

    Đời vua Đường Cao Tổ, có người ở Phổ Châu, tên là Thiện Hành, đi ngang qua núi Dương Giác, gặp một Ông già mặc áo trắng, gọi đến nói rằng:
    - Ngươi về tâu lại với Đường Thiên tử: Thái Thượng Lão Quân là Ông nội.
    Đường Cao Tổ hay tin, liền lập miếu thờ tại núi Dương Giác, và tôn Đức Lão Tử là "Huyền Nguơn Hoàng Đế".

    Hồi thời nhà Châu, Đức Lão Tử có hiện xuống truyền đạo cho Ông Lý Ngưng Dương, tu hành đắc đạo thành Tiên, hiệu là Lý Thiết Quày (thường gọi là Lý Thiết Quả), đứng đầu Bát Tiên. (Xem sự tích nơi chữ: Bát Tiên, vần B).

    Đức Thái Thượng Đạo Tổ có một kiếp giáng sanh xuống trần là Lão Tử, nên Ngài được gọi là Thái Thượng Lão Quân.Tóm lại, từ thời tạo dựng Trời Đất và có nhơn loại đến nay, không có thời nào mà Đức Thái Thượng Đạo Tổ không giáng trần để độ những người có căn lành tu hành đắc đạo.

    Ngài do Khí Tiên Thiên hóa sanh, nên Ngài có pháp thuật vô biên, biến hóa vô cùng, khi hiện xuống cõi trần, khi trở về cõi Thượng Thiên, khi đầu thai xuống trần mang xác phàm để dễ truyền đạo và giáo hóa nhơn sanh.

    Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thái Thượng Đạo Tổ không giáng sanh nữa, mà Ngài chỉ dùng huyền diệu cơ bút để giáng cơ dạy đạo. Ngài giao cho Đức Đại Tiên Trưởng Lý Thái Bạch thay mặt Ngài cầm quyền Tiên giáo.

    Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, có một bài Thánh giáo rất hay của Ngài dạy Ông Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, Đạo hiệu Mỹ Ngọc, xin trích ra vài đoạn:

    Cơ Trời mầu nhiệm đối với Đời mà máy Thiên cơ đối với Đạo, lại còn huyền vi thậm trọng hơn nữa, có lẽ tâm phàm dầu cao kiến đến đâu cũng chưa đạt thấu được. Những vai tuồng của Chí Tôn sắp đặt trên sân khấu Đạo, nếu so sánh lại chẳng khác chi những bậc nguyên nhân lãnh phận sự dìu đời từ xưa đến nay mà thôi.Muốn an tâm tĩnh trí và đè nén lửa lòng, cần phải có một nghị lực vô biên, một tâm trung quảng đại, thì mới khỏi bực tức với những trò đã vì mạng lịnh thiêng liêng phô diễn nơi thâm hiểm nặng nề nầy....Cười . . . Trách nhậm là trách nhậm, muốn làm thì dầu bao nhiêu cũng gọi là thiếu, dẫu ngày nào cũng gọi là chẳng sớm, sớm là sớm nơi cái tâm bất định mà thôi.Chí Tôn đã vì nỗi con cái của Ngài mà sửa chỉnh bước đường, thì Hiền hữu lại há không vì sự yêu đương quí hóa ấy mà sửa đổi tâm trí cho quảng đại sao?Tà Chánh, Cười . . . Bần đạo nói thiệt, cũng chưa dám định đoạt. Trong cái rủi thường có sự may, trong cái may vẫn khép cầm sự rủi, khó lường được. Điều cần là nên làm mà thôi.Nếu luận Tà Chánh thì chưa một ai dám, còn mang xác phàm, xưng tụng mình là Chánh. Cái Tà, vì Thiên thơ xử dụng, Tà vì cơ thử thách của Tam Giáo Tòa, Tà vì những quỉ xác ma hồn lẫn lộn của Quỉ vương để làm cho công phu lỡ dở. Mỗi cái Tà có duyên cớ ấy, ngày sau đều có sự biến đổi thiêng liêng, hoặc có một kết quả.Ngày chung qui chỉ đem về Thầy một chữ TÂM và những công nghiệp đã gây thành cho sanh chúng. (TNHT. II. 94)

    TNHT: Thánh Ngôn Hiệp Tuyển
    (http://caodaiebook.net/CaoDaiTuDien(v2012)/cdtd-van_L.htm#_Lão_Tử)
    [MỤC LỤC] Ấn bản (v.2012) CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN
    Soạn giả: Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng bút hiệu ĐỨC NGUYÊN
    Ấn hành do theo hiệu đính 03-2003


    Đình Thổ Hà – xã Vân Hà – Việt Yên – Bắc Giang

    Lão Tử hóa … Việt kinh – Bách Việt 18

    Bên bờ sông Cầu, quê hương của những làn điệu quan họ, di sản văn hóa thế giới, có một ngôi đình làng cổ nổi tiếng. Đình Thổ Hà đã có trong danh sách xếp hạng di tích của Viện Viễn Đông Bác Cổ từ thời Pháp. Đình này nổi bật bởi nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc rất tinh xảo của xứ Kinh Bắc. Có điều khi xem đến vị thành hoàng được thờ ở đây thì mới thực sự là điều bất ngờ. Thành hoàng làng Thổ Hà tên là … Lão Tử, Thái Thượng Lão Quân.
    Trích thần tích chép từ văn bia Cung sao sự tích thánh tại đình:

    Đời vua Thục An Dương Vương phả lục chép rằng có một vị đại vương cấp bậc Thượng đẳng thần thuộc bộ Càn Hào. Sau khi Hùng Vương thứ 18 mất ngôi, vua An Dương Vương nối ngôi. Có một người từ Bắc quốc đến đạo Kinh Bắc, phủ Bắc Hà, huyện An Việt và ở nhờ chùa Đoan Minh Tự của trang Thổ Hà. Ngày đêm giảng kinh đọc sách, có sức màu nhiệm như thần, trong trang có nhiều con em theo học.

    Một hôm, Người bảo học trò rằng: ta sinh ra từ thủa Hồng Mông, trời đất mới mở mang, cho nên ta thông minh khác thường. Năm xưa mẹ ta kể chuyện rằng: mẹ vốn là người từ bi, huyền diệu mà sinh ra, tên là Mỹ Thổ Hoàng. Có một đêm mẹ ta nằm mơ thấy nuốt một vì sao ngưu tinh, thế là mẹ có thai đủ 81 năm. Đến ngày 7 tháng giêng năm Canh Thìn nách tay phải của mẹ rung động rồi sinh ra ta. Khi ta mới ra đời đầu đã bạc, chân có chữ, ta không có bố, khi đẻ mẹ vịn vào cây mận cho nên lấy họ ta là Lý, tên là Lão Đam, tên chữ Lý Bá Dương, lại có tên là Thái Thượng.

    Quanh vùng nơi ở của người không ai xảy ra tật bệnh, nên người trong trang thường bảo nhau rằng: đó là khí sinh thánh tổ, chẳng phải người thường, các nơi cũng đến xin làm thần tử. Từ đó danh vang thiên hạ, người đến theo học càng đông. Lúc bấy giờ trong nước có giặc Quỷ mũi đỏ, một vị quan thị hầu vua bị bệnh ngã nhào xuống đất và sau đó bệnh tật lan khắp mọi nơi, trong nước nhiều nơi mắc bệnh, người ốm người chết thiệt hại rất nhiều. Nhà vua vội truyền hịch đi các nơi: nếu ai trừ được giặc Quỷ vua sẽ gia phong tước lộc. Lão Tử liền vâng mệnh đến nơi có giặc Quỷ, người liền niệm chú rằng: "Đạo pháp bản vô đa, nam thần quán Bắc Hà, đô lai tam thất tự, tận diệt thế gian ma". Đọc chú xong, Người lại thư phù vào gậy trúc và phóng đi bốn phương, các nơi đều yên ổn.

    Quan địa phương tâu với triều đình, vua liền mời Lão Tử đến ban thưởng, mở tiệc khoản đãi và phong người là Đệ nhất nhân (người tài nhất). Lại cho ngài được hưởng thực ấp ở vùng An Việt huyện. Người bái tạ đức vua và trở về Thổ Hà trang. Về tới nơi Người liền cho xây dựng cung doanh trị sở. Khi xây xong Người cho mời các bô lão trong trang và tất cả học trò đến mở tiệc ăn mừng. Lúc sắp sửa ăn bỗng thấy đám mây năm sắc từ từ sa xuống đất, trong mây thấp thoáng có bóng người mặc áo đỏ, Lão Tử liền theo đám mây cưỡi rồng đỏ mà biến mất. Bấy giờ là năm Giáp Tý ngày 22 tháng 2 (đời vua An Dương Vương) Người đã hóa…

    Mặc dù thần tích không hề nói Thái Thượng Lão Quân của làng Thổ Hà là Lão Tử nổi tiếng của Trung Hoa, nhưng tên của vị thành hoàng này hoàn toàn trùng với tên Lý Lão Đam – Lý Bá Dương. Lão Tử Trung Hoa lập công nghiệp rồi hóa thần ở Việt Nam, chuyện này phải giải thích sao đây?
    Xem vào câu đối cổ trong đình Thổ Hà:

    Đẳng Thích Ca nhân tế quần sinh, phật pháp thiên cổ / thần tiên thiên cổ

    Dữ Khổng thánh công thùy vạn thế, Xuân Thu nhất kinh / Đạo Đức nhất kinh.



    Dịch:

    Sánh Thích Ca nhân nghĩa giúp chúng sinh, phật pháp nghìn đời kiếp / thần tiên nghìn đời kiếp

    Cùng Thánh Khổng công đức trùm vạn thế, Xuân Thu một bộ kinh / Đạo Đức một bộ kinh.

    Câu đối này dùng hình thức trình bày khá hiếm gặp. Trong một vế đối có đoạn được tách làm 2 một cách song song. Hình thức và nội dung này nêu bật quan niệm Tam giáo đồng nguyên: Đạo giáo của Lão Tử, Nho giáo của Khổng Tử và Phật giáo của Thích Ca sánh cùng nhau, song hành trong dân gian.

    Một câu đối khác:

    Huyền tham Thích điển công tỉ Ni Sơn, Đạo Đức nhất kinh truyền chí bảo

    Quyết bản Khương công thuật khai Hoàng Thạch, thần tiên chung cổ hiển linh tung.

    Dịch:

    Huyền diệu vào tích Thích Ca, công đức như núi Vô Sơn, Đạo Đức kinh một bộ truyền báu vật.

    Phù quyết gốc từ Khương Công, pháp thuật mở tảng Đá Vàng, thần tiên tự cổ xưa sáng dấu linh.

    Câu đối nói tới sự hiện diện của Lão Tử trong phật điển. Đây là truyện “Lão Tử hóa hồ kinh”, kể rằng Lão Tử sau khi xuất quan ải đã đi sang Ấn Độ mở đầu phật giáo ở đó. Chuyện “Lão Tử hóa hồ” đã là đề tài tranh cãi của hai phái Đạo và Phật trong nhiều thời đại.

    Vế sau ở câu đối trên còn nêu một điển tích khác, nói tới pháp thuật của Khương Thái Công Lã Vọng, người giúp Chu Vũ Vương nên nghiệp thiên tử ngàn năm. Khương Thái Công sau lại hóa hình là Hoàng Thạch Công, truyền sách binh pháp cho Trương Lương phò trợ Lưu Bang lập nhà Hiếu (Sử ký).

    Qua những câu đối trên thì không còn nghi ngờ gì nữa: vị thành hoàng thờ ở Thổ Hà chính là Lão Tử, người mở đầu Đạo giáo, viết Đạo Đức kinh, cùng Khổng Tử dựng nên nền văn hóa tín ngưỡng Trung Hoa xưa. Thực ra đình Thổ Hà không chỉ là đình của làng mà đây là nơi từng được xuân thu quốc tế, tức là Thái Thượng Lão Quân ở đây là một vị thần mang tầm quốc gia của các triều đại Việt Nam xưa.

    Theo Hoa sử thì Lão Tử sống muộn lắm cũng là vào đầu thời Đông Chu (thời Xuân Thu). Nhà Chu bị Tần Chiêu Tương Vương diệt vào năm 256 TCN. Còn nhà Thục của Việt Nam theo sử sách chép sớm lắm cũng chỉ bắt đầu từ năm 257 TCN. Từ thời Xuân Thu tới thời Thục An Dương Vương có cả vài trăm năm. Vậy làm thế nào Lão Tử của nhà Chu lại có thể giúp vua Thục ở nước Việt trừ yêu dẹp quỉ được?



    Đông Chu phong vũ thị hà thì, biệt bả thanh hư khai đạo Giáo

    Nam Việt sơn hà duy thử địa, độc truyền huyễn hóa tác thần tiên.

    Dịch:

    Mưa gió Đông Chu đây một thời, riêng tay nắm chốn thanh hư, khai mở đạo Giáo

    Núi sông Nam Việt chỉ đất đó, một mình truyền phép màu nhiệm, tạo tác thần tiên.

    Vế đầu câu đối trên cho biết Lão Tử, người mở đạo Giáo sống vào thời “Đông Chu” của Hoa sử. Còn vế dưới lại nói rõ “Nam Việt” là nơi “duy thử địa”, vùng đất duy nhất mà Lão Tử đã hóa thần tiên. Kết hợp hai vế đối này thì chỉ có cách hiểu hợp lý duy nhất là: nhà Chu của Hoa sử chính là nhà Thục của Nam Việt. Chỉ có vậy mới có thể giải thích vì sao Lão Tử Trung Hoa lại có mặt trong một triều đại ở Việt Nam.

    Xem lại tiểu sử của Lão Tử được chép trong Sử ký Tư Mã Thiên, nguyên văn như sau:

    Lão tử giả, Sở Khổ huyện, Lệ hương, Khúc Nhân lý nhân dã. Tính Lý thị, danh Nhĩ, tự Bá Dương. Thụy viết Đam. Chu thủ tàng thất chi sử dã. Khổng tử thích Chu, tương vấn lễ ư Lão tử…
    Thường được dịch là:

    Lão Tử là người thôn Khúc Nhân, làng Lệ huyện Khổ, nước Sở. Ngài họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, thụy là Đam. Làm quản thủ thư viện nhà Chu. Khổng Tử đến Chu, hỏi Lão Tử về lễ…

    Phần dịch trên đã không theo sát nguyên văn về quê hương của Lão Tử. Sử ký chép “Lão Tử người huyện Sở Khổ”, chứ không hề nói Lão Tử là người nước Sở. Đọc phần tiếp theo, Lão Tử “làm quản thủ thư viện nhà Chu”. Nhà Chu là thiên tử, là triều đại chính của thời Lão Tử nên trong đoạn văn không cần nêu “trong triều Chu” thì vẫn phải hiểu Lão Tử là người nước Chu, huyện Sở Khổ. Vì Lão Tử ở nước Chu nên Khổng Tử mới đến Chu tìm gặp.

    Một sách khác là Lão Tử Minh chép về xuất xứ của Lão Tử, nguyên văn như sau:

    Lão tử tính Lý, tự Bá Dương, Sở Tương huyện nhân dã. Xuân thu chi hậu, Chu phân vi nhị, xưng Đông, Tây quân. Tấn lục khanh chuyên chinh, dữ Tề Sở tịnh tiếm hiệu vi vương. Dĩ đại tính tiểu, Tương huyện hư hoang, kim thuộc Khổ. Cố thành do tại. Tại Lại hương chi đông oa thủy xứ kỳ dương, kỳ thổ địa uất ông cao tệ, nghi sinh hữu đức quân tử yên.

    Dịch:

    Lão Tử tính Lý, tự Bá Dương, người huyện Tương nước Sở. Sau thời Xuân thu, Chu triều chia làm hai gọi là Đông quân, Tây quân. Lục khanh nước Tấn tự ý động binh gây chinh chiến. Tấn cùng với Tề, Sở tự xưng vương. Nước lớn thôn tính nước nhỏ. Huyện Tương trở nên hoang vu, ngày nay thuộc Khổ. Thành lũy cũ nay hãy còn. Phía đông làng Lại có con sông chảy qua. Vùng này là một khu đất cao cỏ cây tươi tốt, dễ sinh ra một bậc thượng nhân tài đức.

    Tương tự như Sử ký Tư Mã Thiên, Lão Tử Minh cũng không nói Lão Tử người “Sở quốc” mà nói Lão Tử người “Sở Tương huyện”. Câu tiếp theo ở xuất xứ này lại một lần nữa nói tới nhà Chu. Rõ ràng phải hiểu Lão Tử là người nước Chu ở huyện Sở Tương.

    Đoạn trên trong Lão Tử Minh còn có nói “Sở tự xưng vương”, thế mà “huyện Tương” lại “trở nên hoang vu”? Nước Sở xưng vương thì huyện Tương nước Sở phải thịnh vượng mới đúng chứ sao lại trở nên hoang vu?... Huyện Tương hoang vu bởi vì huyện này không nằm ở Sở, mà nằm ở Chu.

    Chữ Sở trong Sở Khổ hay Sở Tương huyện có thể chỉ là từ chỉ phương hướng: Sở = Sủy = Thủy = nước là tượng của phương Bắc ngày nay. Như vậy lai lịch của Lão Tử theo Sử kýLão Tử Minhtrùng với thần tích của đình Thổ Hà về việc có một nhà hiền triết đến từ phương Bắc. Mạnh dạn hơn nữa, có thể Sở Khổ hay Thủy Khổ phiên thiết cho chữ Thổ, chính là Thổ Hà, tên làng thờ Lão Tử ngày nay. Làng này có con sông Cầu chảy qua đúng như sách Lão Tử Minh chép.


    Bến Thổ Hà

    Câu đối ở đình Thổ Hà:

    Do Chu ngật kim, nhất kinh truyền đạo đức

    Tại hà chi tứ, vạn cổ chấn anh linh.

    Dịch:

    Từ thời Chu tới nay, một bộ kinh truyền đạo đức

    Cạnh sông Cầu bên bến, chục ngàn đời chấn linh thiêng.

    Về hàng trạng của Lão Tử trong Lão Tử Minh chép:

    Lão tử vi Chu tử tàng thất sử. Đương U vương thời, tam xuyên thật chấn dĩ Hạ Ân chi quí, âm dương chi sự, giám dụ thời vương.

    Dịch:

    Lão Tử là quan coi thư viện nhà Chu. Thời U vương, vùng ba sông bị động đất. Lão Tử dựa vào những biến động của nhị khí âm dương về thời Hạ, Thương, để cảnh cáo nhà vua.

    Nhà Chu có vùng Tam Xuyên (ba sông) như trong sách dẫn trên. Tam Xuyên là đất Đông Chu, nơi Tần Thủy Hoàng sau khi diệt Chu đã lập quận Tam Xuyên. Nhưng: Tam Xuyên = Tam Giang. Tên này còn lưu trong tên thánh Tam Giang, tức Trương Hống - Trương Hát, hai vị thần bên dòng sông Như Nguyệt, con sông chảy qua làng Thổ Hà.

    Thần tích ở đình Thổ Hà về Lão Tử:

    Vua (Thục An Dương Vương) xây thành (Cổ Loa) có những u hồn và tà ma quấy nhiễu, cứ xây xong lại đổ. Vua lo lắm, liền xa giá đến Thổ Hà trang cầu đảo. Chợt có thần nhân hiện lên bảo vua rằng: xin vua cứ hồi kinh, không lo ngại gì. Rồi Người sai Thanh giang sứ (tức thần Kim Quy) đến giúp, giết Bạch kê tinh trong núi Thất Diệu, lại đào được hài cốt Bạch kê đem đốt đi, từ đó yêu ma tan hết, lại đào thấy nhạc khí thời cổ (như chiêng trống đồng).

    Có thể thấy truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa và cơn “địa chấn” lúc giao thời Tây – Đông Chu chỉ là một. Diễn biến việc này có thể như sau: Lão Tử sống vào cuối thời Tây Chu (Chu U Vương) sang tới đầu thời Đông Chu. Khi nhà Chu chuyển về phía Đông, tới vùng Tam Xuyên – Tam Giang, thì gặp trận động đất lớn. Thanh lang thành (Lạc Dương) bị rung chuyển. Lão Tử nhân đó nói là âm khí của thời Hạ Thương phát hại, nhằm răn khuyên thiên tử Chu. Truyền thuyết Việt chép thành vua Thục (vua Chủ) xây thành Cổ Loa bị đổ, phải nhờ Lão Tử phái Thanh Giang sứ giả (Thương sứ) tới giúp dẹp yêu quỉ thì thành mới xây được.


    Cửa võng đình Thổ Hà

    Câu đối ở cửa võng đình Thổ Hà:

    Qui giải hiệu linh, Thất Diệu sơn trung truyền dịch quỉ

    Long năng thừa hóa, ngũ vân trang hạ ký đăng tiên.

    Dịch:

    Rùa biết nghiệm linh thiêng, núi Thất Diệu truyền chuyện sai khiến quỉ

    Rồng tài mau biến hóa, trang Ngũ Vân lưu tích bốc lên tiên.

    Thần tích, câu đối trong dân gian Việt chính là những “bộ kinh” còn truyền thiên thu về lịch sử Hoa Việt chói ngời. Nhà Chu từ lúc Khương Thái Công câu cá bên sông … Tô Lịch, Chu Vũ Vương cùng … Thánh Gióng đánh giặc Ân, tới Lão Tử người … “huyện Thổ Hà” khai mở Đạo giáo, Chu Bình Vương dời đô về Cổ Loa… Tất cả đều còn lưu trong bia đá, bia gỗ, bia miệng … ở Việt Nam.
    ***
    Huyền Thiên Trấn Vũ

    Truyện Rùa vàng trong Lĩnh Nam chích quái chép:

    “(An Dương Vương) xây thành ở đất Việt Thường, nhưng hễ đắp tới đâu lại lở tới đấy, vua bèn lập đàn trai giới, cầu đảo. Ngày mồng 7 tháng 3, bỗng thấy một cụ già từ phương tây tới trước cửa thành, than rằng: “Xây dựng thành này biết bao giờ mới xong được!”. Vua đón vào trong điện, vái và hỏi rằng: “Ta đắp thành này đã nhiều lần nhưng cứ bị sập đổ, tốn nhiều công sức mà không thành, thế là cớ làm sao?”. Cụ già đáp: “Sẽ có sứ Thanh Giang tới, cùng nhà vua xây dựng mới thành công”, nói xong từ biệt ra về…

    Đối chiếu với thần tích và các câu đối ở đình Thổ Hà có thể thấy “cụ già” từ phương Tây tới giúp An Dương Vương ở đây chính là Lão Tử. “Cụ già” mà đọc bằng tiếng Nho thì rõ ràng là Lão Tử.
    Lão Tử không phải là “ông lão” nhưng lại là “trẻ con”, mới sinh ra mà râu tóc đã bạc phơ như vẫn được giải thích. Lão = Lửa, là ánh sáng, là trí tuệ. Lão Tử nghĩa là người thông tuệ, hiểu biết.
    Thường Lão Tử hay được vẽ cưỡi trên lưng trâu. Nếu Lão Tử xuất xứ ở tận bên bờ Hoàng Hà thì chắc ông phải cưỡi … bò mới đúng. Người phương Bắc không có trâu đến nỗi trong mười hai con giáp phải thay bằng con bò (hoàng ngưu). Hình ảnh Lão Tử cưỡi trâu cho thấy ông là người của nền nông nghiệp lúa nước. Trâu = Sửu = Thủy = Lạc. Lão Tử người Lạc Việt.

    Con trâu theo Dịch lý là biểu tượng của sự tòng thuận. Đó cũng là chỗ cốt yếu của Đạo Lão, thể hiện trong Đạo Đức kinh: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên.”

    Câu chuyện về Lão Tử ở Việt Nam không dừng lại ở đó. Trong truyền thuyết Việt thì người đã cử Kim Qui tới giúp vua Thục là … Huyền Thiên. Vị thần này đã được lập thành một trong Thăng Long tứ trấn ở Quán Thánh cạnh Hồ Tây ngày nay. Quán là nơi thờ cúng của Đạo Giáo.

    Câu đối ở đền Quan Thánh:

    Đĩnh nhạc độc chước chung, tố An Dương ngật Đinh Lê Lý Trần Lê, hộ quốc tí dân tinh linh cái cổ
    Trung thiên địa nhi lập, đương Chu Tần lịch Hán Đường Tống Nguyên Minh, siêu nhân nhập thánh thanh tích truyền kim.


    Dịch:

    Một ngọn núi vượt lên, ngược từ An Dương tới Đinh Lê Lý Trần Lê, giúp nước che dân, linh thiêng bao trùm thời cổ

    Cùng trời đất mà thành, ngang thời Chu Tần sang Hán Đường Tống Nguyên Minh, hóa thần nhập thánh, tiếng tích còn truyền tới nay.


    Nhà Đường mở đầu triều đại đã tôn Lão Tử là Thái Thượng Huyền Nguyên hoàng đế, coi là thủy tổ của mình. Có thể thấy Huyền Nguyên và Huyền Thiên chỉ là một. Huyền Thiên Trấn Vũ của Thăng Long cũng chính là Lão Tử, là tên xưng khi nhà Đường tôn lập vị tổ sư này của Đạo Giáo mà thôi. Huyền Thiên Trấn Vũ không phải là vị thần “ngoại quốc” chen chân vào truyền thuyết Việt, mà ông chính là người Việt.

    Truyền thuyết về Huyền Thiên tại làng Ngọc Trì – Gia Lâm:

    Ngài giáng sinh vào vương quốc Tĩnh Lạc, hoàng hậu đặt tên là Huyền Nguyên, năm 14 tuổi vào núi Vũ Đương tu hành, tới năm 42 tuổi thì đắc đạo”.

    Ở đây gọi rõ tên thần là Huyền Nguyên, là tên nhà Đường tôn cho Lão Tử. Vương quốc Tĩnh Lạc theo sách Tử Quang Kínhlà nơi tiên ở, nằm giữa biển phía Tây nước Nguyệt Chí …”. Thời Đường, vương quốc ở phía Tây biển thì chỉ có… đất Tĩnh Hải Lạc Việt mà thôi. Lại một lần nữa cho thấy Huyền Thiên – Lão Tử là người Lạc Việt.

    Câu đối ở đền Quán Thánh:

    Vũ Đương sơn thạch luyện hà niên, sắc tướng câu không, chân thân thượng tại
    Huyền Thiên quán vân du thử nhật, tiên tung ngẫu kí, linh tích trường lưu.


    Dịch thơ:

    Núi Vũ Đương năm xưa luyện đá
    Mặc hình nhan thân cả ở cao
    Mây bay Huyền quán ngày nào
    Dấu tiên chợt hiện, biết bao giờ mờ.


    Quả núi Vũ Đương hay Võ Đang chẳng phải là ngọn “Thái sơn” của Đạo Giáo đó hay sao? Núi Vũ Đương không ở đâu xa tận Hồ Bắc Trung Quốc mà … ở ngay chính nơi có sự tích về Huyền Thiên, tại làng Thụy Lôi – Đông Anh – Hà Nội.

    Vũ Đương cung khuyết tăng tiên giới
    Âu Lạc sơn hà tráng đế cư.


    Dịch:

    Cung khuyết Vũ Đương cửa lên tiên giới
    Non sông Âu Lạc thêm vững đất vua.


    Núi Võ Đang ở Hồ Bắc mới là "hàng nhái", là nơi thờ vọng Huyền Thiên, mới có vào thời Minh mà thôi.


    Ngũ môn đền Sái

    Ngọn núi Vũ Đương ở Đông Anh còn có tên là núi Sái (Sái = Thái, chứ không phải sư sãi gì cả). Trên núi có đền Sái hay “”, là nơi có các dấu vết của Huyền Thiên tu luyện (ao tiên, giếng tiên, dấu ngựa tiên). Núi này nối với núi Thất Diệu, nơi Huyền Thiên giúp vua Thục diệt Bạch Kê tinh xây thành Cổ Loa.

    Diệu Lĩnh Loa Thành linh tích thiên niên truyền tín sử
    Tiên trì mã tích sùng từ nhất thốc trấn hoàn âu.


    Dịch:

    Núi Diệu thành Loa, dấu linh nghìn năm truyền sử sách
    Ao tiên dấu ngựa, đền cao một ngọn trấn đất vua.


    Vũ Đương có thể hiểu là “vua sống” hay “ngang hàng với vua”. Huyền Thiên là một vị thần rất được các vua chúa phong kiến thời xưa coi trọng. Ở làng Thụy Lôi tới nay hàng năm vẫn tổ chức hội rước “vua sống” đến bái yết Huyền Thiên tại đền Sái. Thời phong kiến mà lại cho người dân được đóng làm vua thì mới thấy vị thần thờ ở đây được nhà nước phong kiến xem trọng như thế nào. Bởi vì Huyền Thiên chính là Huyền Nguyên hoàng đế, là Thái Thượng Lão Quân (tức là còn trên cả Thái Thượng Hoàng, bố của vua), là tổ của họ Lý (Đường). Lý Công Uẩn khi lên ngôi cũng đến đền Sái và rước Huyền Thiên về làm Trấn Vũ cho kinh thành có thể cũng vì coi Huyền Thiên Lão Tử là tổ của mình.

    Câu đối ở đình Thụy Lôi:

    Hà nhạc an dân, kê sùng tận quỉ tinh trừ, bái giang sứ
    Thục Ngô kiến quốc, Loa thành thụ xuân hội trí, tạ sơn thần.


    Dịch:

    Núi sông yên dân, gà trắng chết quỉ tinh trừ, bái Thanh Giang sứ
    Thục Ngô dựng nước, Loa thành đắp hội xuân bày, tạ thần Huyền Thiên.

    (Ngô ở đây có thể là Ngô Quyền, cũng đóng đô ở Cổ Loa).

    Ngọn núi Sái (Thái Sơn) hay Vũ Đương ở Đông Anh gắn với truyền tích Lão Tử - Huyền Thiên giúp vua Thục diệt Bạch Kê Tinh ở Thất Diệu, xây thành Cổ Loa. Đây phải được coi là một nơi cực kỳ linh thiêng với người Hoa Việt vì chính là nơi khởi sinh Đạo Giáo của phương Đông. So với đền Gióng và tục thờ Phù Đổng Thiên Vương thì đền Sái với tục rước vua sống và thờ Huyền Thiên phải xứng đáng được nhận danh hiệu “di sản văn hóa thế giới”. Đạo Giáo là tín ngưỡng gốc của toàn bộ văn hóa Trung Hoa xưa, có xuất xứ chính từ Việt Nam.
    Bản sao từ bài viết “Lão Tử hóa … Việt kinh” của Tác gỉa Bách Việt trùng cửu (Bách Việt 18 - blog  http://báchviệt18.vn) trên diễn đàn Dòng Hùng – Việt (tại http://nhat.1forum.biz/t282-topic)


    Sự tích 'Lão Tử ở Việt Nam' được khắc trên bia đá đình Thổ Hà

    Nội dung bia "Cung sao sự tích thánh"

    Thành Thái năm thứ 9 (1897), bản xã hội họp, tuân theo lễ điển của triều Lê, bản chính nay sao chép. Duyên sự tích thần phả của bản xã bị thất lạc đã lâu. Nay nghe tin ở xã Bình Trù tỉnh Sơn Tây có con cháu quan Thượng thư, trong gia đình giữ được bách thần điển, bản xã thân tới xem xét, đối chiếu những tên húy và những ngày sự lệ rất là đúng. Nay xin sao chép nguyên bản đem về làng khắc vào bia đá để lưu truyền mãi mãi sau này. Nay sao cả những lời cấm kỵ, liệt kê dưới đây.

    Đời vua Thục An Dương Vương phả lục chép rằng có một vị đại vương cấp bậc Thượng đẳng thần thuộc bộ Càn Hào. Sau khi Hùng Vương thứ 18 mất ngôi, vua An Dương Vương nối ngôi. Có một người từ Bắc quốc đến đạo Kinh Bắc, phủ Bắc Hà, huyện An Việt và ở nhờ chùa Đoan Minh Tự của trang Thổ Hà. Ngày đêm giảng kinh đọc sách, có sức màu nhiệm như thần, trong trang có nhiều con em theo học. Một hôm, Người bảo học trò rằng: ta sinh ra từ thủa Hồng Mông, trời đất mới mở mang, cho nên ta thông minh khác thường. Năm xưa mẹ ta kể chuyện rằng: mẹ vốn là người từ bi, huyền diệu mà sinh ra, tên là Mỹ Thổ Hoàng. Có một đêm mẹ ta nằm mơ thấy nuốt một vì sao ngưu tinh, thế là mẹ có thai đủ 81 năm. Đến ngày 7 tháng giêng năm Canh Thìn nách tay phải của mẹ rung động rồi sinh ra ta. Khi ta mới ra đời đầu đã bạc, chân có chữ, ta không có bố, khi đẻ mẹ vịn vào cây mận cho nên lấy họ ta là Lý, tên là Lão Đam, tên chữ Lý Bá Dương, lại có tên là Thái Thượng. Quanh vùng nơi ở của người không ai xảy ra tật bệnh, nên người trong trang thường bảo nhau rằng: đó là khí sinh thánh tổ, chẳng phải người thường, các nơi cũng đến xin làm thần tử. Từ đó danh vang thiên hạ, người đến theo học càng đông. Lúc bấy giờ trong nước có giặc Quỷ mũi đỏ, một vị quan thị hầu vua bị bệnh ngã nhào xuống đất và sau đó bệnh tật lan khắp mọi nơi, trong nước nhiều nơi mắc bệnh, người ốm người chết thiệt hại rất nhiều. Nhà vua vội truyền hịch đi các nơi: nếu ai trừ được giặc Quỷ vua sẽ gia phong tước lộc. Lão Tử liền vâng mệnh đến nơi có giặc Quỷ, người liền niệm chú rằng: "Đạo pháp bản vô đa, nam thần quán Bắc Hà, đô lai tam thất tự, tận diệt thế gian ma". Đọc chú xong, Người lại thư phù vào gậy trúc và phóng đi bốn phương, các nơi đều yên ổn. Quan địa phương tâu với triều đình, vua liền mời Lão Tử đến ban thưởng, mở tiệc khoản đãi và phong người là Đệ nhất nhân (người tài nhất). Lại cho ngài được hưởng thực ấp ở vùng An Việt huyện. Người bái tạ đức vua và trở về Thổ Hà trang. Về tới nơi Người liền cho xây dựng cung doanh trị sở. Khi xây xong Người cho mời các bô lão trong trang và tất cả học trò đến mở tiệc ăn mừng. Lúc sắp sửa ăn bỗng thấy đám mây năm sắc từ từ sa xuống đất, trong mây thấp thoáng có bóng người mặc áo đỏ, Lão Tử liền theo đám mây cưỡi rồng đỏ mà biến mất. Bấy giờ là năm Giáp Tý ngày 22 tháng 2 (đời vua An Dương Vương) Người đã hóa. Mọi người trong trang ngơ ngác sợ hãi, tâu về triều đình. Vua liền sai các quan về trang kính tế, tế xong phong Người là Thượng đẳng phúc thần, lại phong cho mẹ người là Đoan từ chi nhân, cho phép trang Thổ Hà xây đền miếu phụng thờ. Sau đó vua xây thành (Cổ Loa) có những u hồn và tà ma quấy nhiễu, cứ xây xong lại đổ. Vua lo lắm, liền xa giá đến Thổ Hà trang cầu đảo. Chợt có thần nhân hiện lên bảo vua rằng: xin vua cứ hồi kinh, không lo ngại gì. Rồi Người sai Thanh giang sứ (tức thần Kim Quy) đến giúp, giết Bạch kê tinh trong núi Thất Diệu, lại đào được hài cốt Bạch kê đem đốt đi, từ đó yêu ma tan hết, lại đào thấy nhạc khí thời cổ (như chiêng trống đồng). Thành xây nửa tháng vừa xong, vua hàng năm cứ đến ngày 22 tháng 2 xa giá đến làm lễ để tỏ lòng tôn kính một vị thần linh tuấn, đó là lẽ thường vậy. Lại phong cho là Đương cảnh thành hoàng thái thượng bản giác linh phù thượng đẳng phúc thần. Phong mẹ là Đoan y trinh thục, nhu hòa huệ ân, diệu mỹ thổ hoàng thái hậu. Từ đó về sau nghiệm thấy linh ứng nên các triều đại đế vương đều phong mỹ tự.

    Vua Đinh Tiên Hoàng có lần bị vây ở chùa, vua liền cầu đảo, vòng vây được giải. Vua gia phong là Tôn thần linh ứng.

    Vua Lê Đại Hành niên hiệu Thiên Phúc xem xét lại bách thần phả, nhận thấy Người là thần linh ứng nên gia phong là Phụ ký uy dũng, phu hiển chiêu cảm, thượng đẳng.

    Vua Trần Thái Tông bị giặc Nguyên vây hãm kinh thành, sai Trần Quốc Tuấn phụng mệnh cầu đảo, thấy có linh ứng âm phù, khi bắt được Ô Mã Nhi liền phong là Vị thần linh ứng, anh triết.

    Vua Lê Thái Tổ đánh xong giặc Liễu Thăng, gia phong là Nhất vị tôn thần, phả tế cương nghị anh linh. Lại lệnh cho trang Thổ Hà sửa sang đền miếu, hương khói phụng thờ không bao giờ ngớt.

    Kê khai ngày sinh, ngày hóa, ngày vào đám và tên húy cần kiêng. Sinh nhật 7 tháng giêng: lễ cúng ban thượng cúng chay, ban hạ bò lợn để cả con, xôi rượu tùy nghi, hát xướng vui vẻ trong ba ngày liền. Hóa nhật 22 tháng 2, lễ dùng ban thượng cúng chay, ban hạ một con lợn để nguyên và xôi rượu. Ngày vào đám thu tế mồng 6 tháng 8, lễ dùng như trên, cấm dùng trâu. Tên húy cần kiêng: Bá Dương, Thái Thượng, Mỹ Hoàng, những tiếng đồng âm cũng kiêng. Sắc áo quần cấm dùng: sắc vàng, sắc đỏ, người hành lễ phải kiêng. Hữu Hồng Đức đại học sỹ, kiêm quốc tử giám Lê Tung phụng soạn chính bản. Vĩnh hựu quản giám bách linh, lĩnh chức thiếu khanh Nguyễn Hiền tuân theo bản cũ. Năm Đinh Dậu tháng 8 ngày cốc nhật lập bia (1897).
    (https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%95_H%C3%A0)

  • ĐẠO GIÁO THẦN TIÊN  VÀ LÃO TỔ CỦA ĐẠO THẦN TIÊN

    No comments:

    Post a Comment