Monday, April 25, 2016

Truyện Khổng Tử


Thần đồng vấn Khổng Tử (ST)

Thần đồng vấn Khổng Tử là câu chuyện Thần đồng Hạng Thác hỏi Đức Khổng Tử nhiều điều mà Ngài không trả lời được, nên chịu phục Hạng Thác làm thầy.

“Đức Khổng Tử khi còn nhập thế, chưa xuất thế, ở Nhơn đạo chưa học Thiên đạo. Ngài học văn chương mà giáo huấn Nhơn đạo, dạy cang thường luân lý, sửa đương Nhơn đạo, sau Ngài học lễ với Lão Đam, cũng giáo huấn môn đồ về Nhơn đạo. Trong lúc ấy, Ngài có vợ con, thịt ăn rượu uống.

Vậy nên có câu rằng: “Khổng Tử, Thiên sanh chơn kỳ trí, Tánh mạng công phu thỉ bất minh.” Nghĩa là: Đức Khổng Tử, Trời sanh người trí lạ, Tánh mạng phép công phu, Ngài còn chưa rõ đặng.

Sau Ngài qua nước Trần, gặp Hạng Thác, chừng đó mới học qua Thiên đạo, lúc ấy mới cấm răn rượu thịt, dâm dục, y theo qui giới mà tu Thiên đạo. Nên có câu: “ Trai minh thạnh phục, Yết dục dưỡng tinh.”Mấy lời đó, sao người học Nho không nhắc lấy mà so sánh thí cập.

Còn khi chưa xuất thế tu hành  thì Ngài để  kinh sách dạy theo Nhơn đạo, sửa mình mà thôi. Như vậy lấy sách dạy Nhơn đạo thí cập so sánh với Thiên đạo, sao phù hiệp đặng.

Khi Đức Khổng Tử học đạo rồi, sau Thầy Tử Cống có nói rằng: Đức Phu Tử nói văn chương thì ta hiểu rõ, còn nói qua Thiên đạo, ta nghe không hiểu.
Đó chẳng phải Đức Khổng Tử Ngài ở Nhơn đạo, sau tu qua Thiên đạo hay sao? Nên mới nói Nhơn tâm, Đạo tâm, là 2 nẻo khác nhau.” (Trích trong Hội Lý Xiển Chơn Luận trang 42 của Ông Nguyễn văn Kinh)
Đức Khổng Tử cùng một số học trò, trên đường đi qua nước Trần, gặp một đám trẻ nhỏ chơi đùa giữa đường. Ngài ngồi trên xe nhìn đám trẻ, thấy có một cậu bé cặm cụi lấy cát đắp một cái thành nhỏ mà không đùa nghịch. Đức Khổng Tử dừng lại hỏi cậu bé:

- Sao cậu không chơi đùa với mấy đứa trẻ kia?

Cậu bé đáp:

- Đùa giỡn thì vô ích. Sự đùa giỡn có thể làm rách quần áo, nhọc công mẹ vá khâu và làm buồn lòng đến cha, nên tôi không đùa nghịch.

Nói xong, cậu tiếp tục đắp thành. Đ. Khổng Tử lại hỏi:

- Cậu không tránh cho xe của tôi đi sao?

Cậu bé thản nhiên đáp:

- Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chớ có bao giờ thành tránh xe.

Đức Khổng Tử nghe cậu bé trả lời hay quá, thấy cậu bé nầy có vẻ khác lạ, liền xuống xe đến gần cậu bé bàn luận nhiều việc xa xôi. Cậu bé đều trả lời xuôi rót, nhưng có tánh cách biến trá. Đức Khổng Tử trách rằng:

-  Cậu hãy còn bé mà sao đã biến trá lắm vậy?

-  Người ta sanh ra 3 ngày đã biết tìm vú mẹ, con thỏ sanh ra 3 ngày đã chạy tung tăng trên đồng nội, con cá sanh ra 3 ngày thì biết xuôi ngược khắp sông hồ. Đó là tánh tự nhiên, sao gọi là biến trá?

-  Cậu ở xóm nào, làng nào, cha mẹ ở đâu?

-  Tôi sanh tại đây, họ Hạng tên Thác, chưa có tên tự.

-  Ta muốn cậu cùng đi chơi với ta, ý cậu thế nào?

-  Trong nhà tôi còn có cha, cần phải phụng, còn có mẹ cần phải dưỡng, có anh để phụ tùng, có em phải dạy dỗ, còn có thầy để  học hỏi, đâu có rảnh để  đi chơi với ông.

-  Trong xe ta có sẵn 32 con cờ, ta muốn cùng cậu đánh cờ, cậu có bằng lòng không?

-  Thiên tử mê cờ thì bốn biển không người gìn giữ, chư Hầu mê cờ thì chính sự không an, nho sĩ mê cờ thì việc học đình trệ, nông phu mê cờ thì quên việc cày cấy, vì thế tôi không đánh cờ.

- Ta muốn cùng cậu đàm luận việc bình trị thiên hạ, cậu có bằng lòng không?

- Chuyện thiên hạ khỏi phải bình, vì hoặc như núi cao, hoặc như sông hồ, hoặc như vương hầu, hoặc như nô tỳ. Nếu san bằng núi thì chim chóc không nơi trú ngụ, lấp bằng sông hồ thì cá nhờ đâu bơi lội, bỏ chức vương hầu thì dân không người trị, bỏ nô tỳ thì chủ nhân không có người để sai khiến, thế nên tôi không bình luận việc thiên hạ.

Đức Khổng Tử lại hỏi:

- Lửa nào không khói? Nước nào không cá?
Núi nào không đá? Cây gì không cành?
Người nào không vợ? Ai kẻ không chồng?
Trâu nào không nghé? Ngựa nào không con?
Trống nào không mái? Mái nào không trống?
Ai là quân tử? Ai kẻ tiểu nhân?
Vật gì không đủ? Vật gì có thừa?
Thành nào không chợ? Người nào không con?Cậu bé Hạng Thác liền đáp:

- Lửa đôm đốm không khói. Nước giếng không cá.
Núi đất không đá. Cây khô không cành.
Tiên Ông không vợ. Ngọc Nữ không chồng.
Trâu đất không nghé. Ngựa gỗ không con.
Trống độc không mái. Mái độc không trống.
Hiền là quân tử. Kẻ dại tiểu nhân.
Ngày Đông không đủ. Ngày Hạ có thừa.
Hoàng thành không chợ. Đứa trẻ không con.Sau khi Hạng Thác trả lời xong, Đức Khổng Tử hỏi tiếp:

- Cậu có biết gì về lẽ Đạo hằng của Trời Đất?
Sự cuối cùng của Âm Dương?
Đâu là phải? Đâu là trái?
Đâu là trong? Đâu là ngoài?
Ai là Cha? Ai là Mẹ?
Ai là chồng? Ai là vợ?
Gió từ đâu đến? Mây từ đâu ra?
Sương từ đâu có? Trời Đất xa nhau mấy dặm?Cậu bé Hạng Thác liền trả lời:

- 9 lần 9 chu kỳ là 81. Ấy là đạo của Trời Đất.
8 lần 9 là 72. Ấy là Âm Dương cùng cuối.
Tây là phải. Đông là trái.
Trong là lý. Ngoài là biểu.
Trời là Cha. Đất là Mẹ.
Mặt Trời là chồng. Mặt Trăng là vợ.
Gió từ cây xao động. Mây trong núi bay ra.
Sương từ đất dậy. Trời Đất xa nhau ngàn ngàn
vạn vạn dặm.Cậu bé Hạng Thác đã trả lời đầy đủ các câu hỏi của Đức Khổng Tử. Bây giờ cậu bé xin thỉnh giáo Đức Khổng Tử đôi điều:

- Thưa Ngài, vịt ngỗng sao nổi trên mặt nước?
Chim hồng chim nhạn sao lại kêu to?
Tùng bách sao ngày Đông vẫn xanh lá?Đức Khổng Tử đáp rằng:

- Vịt ngỗng vì chân nó banh mà nổi bơi trên mặt nước.
Chim hồng chim nhạn kêu to là vì cổ nó dài.
Tùng bách ngày Đông xanh lá là vì ruột nó đặc.Cậu bé Hạng Thác cười nói rằng:

- Chắc không hẳn như vậy đâu.
Tôm cá vẫn nổi trên mặt nước mà chân nó có banh đâu.
Ễnh ương, ếch nhái kêu to mà cổ của nó có dài đâu.
Cây trúc rổng ruột mà ngày Đông vẫn xanh lá.Sau khi bắt bẻ các câu trả lời của Đức Khổng Tử, Thần đồng Hạng Thác hỏi tiếp:

- Trên bầu Trời có sao lấp lánh, vậy thưa Ngài có tất cả bao nhiêu vì sao?
- Chuyện dưới đất không thiếu gì sao lại hỏi chuyện trên Trời.
- Vậy dưới đất nhà cửa san sát có bao nhiêu ngôi nhà?Đức Khổng Tử lại nói rằng:

- Ta nên nói ngay chuyện trước mắt có phải là thực tế hơn không, cần gì nói chuyện Trời Đất.
- Vậy thưa Ngài nếu bàn chuyện trước mắt thì Ngài cho biết lông mày có bao nhiêu sợi?Đức Khổng Tử không trả lời, chỉ biết cười mà thôi.

Ngài quay lại nói cùng các học trò rằng: “ Hậu sanh khả úy.” (kẻ sanh sau đáng sợ thật). Đó là kẻ rất khó tìm thấy trong thiên hạ. Nói xong Ngài trở lên xe đi thẳng.

Bài thi: Thần đồng vấn Khổng Tử:
Hưu khi niên thiếu thông minh tử,
Quảng hữu anh tài trí quá nhân.
Đàm luận thế gian vô hãn sự,
Phân minh Cổ Thánh hiện kỳ thân.Tạm dịch:

Đừng khinh tuổi trẻ bậc Thần đồng,
Có lắm anh tài trí quảng thông.
Luận việc thế gian không giới hạn,
Thánh xưa hiện rõ thể vừng đông.Tối hôm ấy, Đức Khổng Tử ngồi thẩn thờ trước án, ngọn đèn bạch lạp lụn tàn. Tử Lộ mạo muội vào hỏi thầy:

- Thầy trầm tư về cuộc tranh luận với Hạng Thác? - Phải.- Thầy không vui vì mình yếu lý? - Không.Thấy Tử Lộ có ý hồ nghi, nên Đức Khổng Tử nói tiếp:

- Nầy Do, bình sanh ta đi chu du thiên hạ để truyền bá Nhơn đạo, mặt luôn luôn hướng thẳng, lòng sáng tợ gương, ý thành, ngôn chánh. Còn miệng lưỡi của Hạng Thác là miệng lưỡi của phường biện sĩ, nên có thể chứng minh ngựa trắng không phải là ngựa trắng. Khi xướng thuyết Liên Hoành cũng thuận, mà bày kế Hợp Tung cũng thông. Xét từ bản chất của ngôn ngữ, cuộc tranh luận vừa qua cũng như nước chảy dòng đôi, xa trăm ngàn đợt sóng nhấp nhô, nhưng kỳ thật không lượn lớn lượn nhỏ nào va chạm. Do làm sao hiểu được!
(Tử Lộ là học trò giỏi của Đ. Khổng Tử, tên Trọng Do, kêu tắt là Do)
Tử Lộ hỏi: - Vậy cớ nào thầy buồn?
- Ta buồn vì có Khổng Khâu mà còn phường biện sĩ. Hạng Thác nhắc cho ta nhớ đến vai trò của kẻ biện sĩ. Biện sĩ chỉ thuyết cho sự lợi ích mà không thuyết cho Chơn Lý. Khắp thiên hạ, kẻ cầu lợi đông như kiến cỏ, người hướng về Chơn Lý đốt đuốc khó tìm.Thế sự trôi chảy không ngừng. Chánh đạo của ta liệu truyền lưu được bao lâu nữa? Đó chẳng phải là điều đáng buồn hay sao?

Tử Lộ toan lui ra, Đức Khổng Tử kêu lại hỏi:

- Trò Do, trò còn nhớ người hiền nước Sở?
- Bẩm, có phải là Sở cuồng Tiếp Dư ca hát nghêu ngao.
- Trò còn nhớ 2 ẩn sĩ họ Kiệt, họ Tràng?
- Bẩm, có phải 2 lực điền ở giáp ranh Sở, Thái?
- Họ khuyên ta bỏ đi việc chính sự lụy phiền, để làm người tỵ thế. Khuyên ta: Trời không hề nói gì mà vạn vật điều hòa. Ta cũng muốn êm lời, nhưng gặp việc nghĩa mà không làm, biết Chơn Lý mà không nói thì phải sống với đồng loại hay sống với chim muông!Tử Lộ ra ngoài nói với các bạn: Thầy nói: Hậu sinh khả úy. Không phải sợ kẻ sanh sau tài giỏi hơn mình, mà sợ họ làm sai lạc Chánh lý bằng ngoa ngôn xảo ngữ vị lợi đó thôi.
(Sưu Tầm)
(http://covattinhhoa.vn/news/detail/810/than-dong-van-khong-tu.cvth)


Cuộc gặp với Lão Tử (ST):

Tương truyền, Khổng Tử qua Chu thăm Lão Tử. Lão Tử cưỡi trâu ra tận đầu làng đón Khổng Tử. Hai người đàm đạo với nhau trong ba ngày về Đạo

- Khổng Tử bái kiến Lão Tử. Lão Tử hỏi Khổng Tử đọc sách gì, ông trả lời là đọc “Chu Dịch”, và Thánh nhân đều đọc sách này.
- Lão tử nói: “Thánh nhân đọc sách này thì được, còn ông vì sao cần phải đọc nó? Tinh hoa của quyển sách này là gì?”.
Khổng Tử trả lời: “Tinh hoa của nó là tuyên dương Nhân Nghĩa“.
- Lão Tử nói: “Cái gọi là nhân nghĩa, đó là một thứ mê lòng người, giống như như muỗi rận ban đêm cắn người, chỉ có thể làm người ta thêm hỗn loạn và phiền não mà thôi. Ông xem, con chim Thiên nga kia không cần tắm rửa mà lông vũ tự nhiên vẫn trắng như tuyết, Quạ đen hàng ngày không nhuộm lông mà tự nhiên vẫn đen. Trời vốn là cao, đất vốn là dày, mặt trời mặt trăng từ trước tới nay đã phát ra ánh sáng rực rỡ, tinh thần từ trước tới nay chính là đã được an bài có trật tự, cây cỏ từ lúc sinh ra thì đã khác nhau. Nếu như ông tu Đạo, vậy cũng thuận theo quy luật tồn tại của tự nhiên, tự nhiên là có thể đắc Đạo. Tuyên dương những thứ nhân nghĩa để làm gì đây? Chẳng phải điều đó cũng đáng tức cười như việc vừa đánh trống vừa đi tìm một con dê thất lạc hay sao?”
- Lão Tử lại hỏi Khổng Tử: “Ông cho rằng tự mình đắc Đạo rồi chưa?”.
- Khổng Tử nói: “Tôi đã tìm cầu 27 năm rồi, vẫn chưa đắc được”.
- Lão Tử nói: “Nếu như Đạo là một thứ hữu hình có thể tìm kiếm và dâng hiến cho con người, thì người ta sẽ tranh giành nó đem dâng tặng cho quân vương. Nếu như Đạo có thể đem tặng cho người khác, thì người ta sẽ đem tặng nó cho người thân. Nếu như Đạo có thể giảng rõ ra được, người ta sẽ đem nó giảng giải cho anh em của mình. Nếu như Đạo có thể truyền thụ cho người khác, thì người ta đều sẽ tranh nhau truyền nó cho con cái mình. Song những chuyện như thế là không thể được. Nguyên nhất rất đơn giản, Đạo ấy chính là thứ mà một người bình thường không thể nhận thức một cách chính xác được, Đạo tuyệt đối sẽ không thể nhập vào tâm của người thường được”.
- Khổng Tử nói: “Tôi nghiên cứu ‘Thi Kinh’, ‘Thượng Thư’, ‘Lễ’, ‘Nhạc’, ‘Dịch’, ‘Xuân Thu’, giảng nói đạo lý trị quốc của các vị tiên vương, hiểu rõ con đường thành công của Chu Công, Triệu Công. Tôi đã lấy đó để bái kiến 70 quân vương, nhưng họ đều không chọn dùng chủ trương của tôi. Xem ra người ta thật là khó thuyết phục được!”.
- Lão Tử nói: “Ông nói ‘Lục Nghệ’ ấy tất cả đều là những thứ xưa cũ của thời đại các tiên vương, ông nói những thứ đó để làm gì đây? Thành tựu tu học mà ông đạt được hôm nay cũng đều là những thứ xưa cũ rồi”.

- Khổng Tử thỉnh giáo xong Lễ chế nhà Chu, liền quyết tâm trở về nước Lỗ khôi phục lại nguyên xi Lễ nghi của nhà Chu. Lão Tử đối với việc này vẫn bảo lưu ý kiến. Bởi vì Lễ tuy là cần phải có, nhưng muốn khôi phục toàn diện Lễ nghi nhà Chu, e rằng không thể làm được. Thời thế thay đổi, chút Lễ nghi nhà Chu ấy cũng không thích hợp với tình huống đương thời nữa. Vì vậy Lão Tử nói với Khổng Tử: “Ông theo lời những người đó, xương cốt của họ đều đã mục nát cả rồi, chỉ là những lời bàn luận của họ là còn tồn tại mà thôi. Hơn nữa quân tử gặp được thời cơ chính trị 1 thì liền theo chính, thời cơ không thích hợp thì cũng như cây cỏ bồng kia gặp sao yên vậy. Tôi nghe nói: Người giỏi kinh doanh đem cất giấu của cải hàng hóa, không cho người thác trông thấy, mặc dù giàu có nhưng dường như cái gì cũng không có. Người quân tử Đức cao thường bề ngoài cũng giống như người ngu độn, không để lộ chân tướng ra ngoài. Ông cần phải vứt bỏ tâm kiêu ngạo và dục vọng, vứt bỏ tâm thái và thần sắc mà ông đang có kia đi, vứt bỏ chí hướng quá truy cầu kia đi, bởi vì những thứ này đối với ông chẳng có chỗ nào tốt cả. Đó chính là những gì mà tôi muốn cho ông biết”.
- Đức Khổng đáp: “Tôi xin kính cẩn phụng giáo”.

Khổng Tử về đến nhà suốt ba ngày không ra khỏi cửa, bảo với môn sinh rằng:
"Loài chim, ta biết nó bay được; loài cá ta biết nó bơi được; loài thú ta biết nó chạy được. Chạy thì ta dùng lưới để bẫy, bơi thì dùng câu để bắt, bay thì dùng tên để bắn. Còn loài rồng cưỡi gió cưỡi mây mà bay lên trời thì ta không sao biết được. Nay ta gặp ông Lão Tử; ông là con rồng chăng ?"

’Chân dung Khổng Tử’ trong đạo Cao Đài


Khổng Tử (551 - 479 t.TL): người lập ra Nho giáo
孔子
A: Confucius.
P: Confucius.
Khổng: Họ Khổng, chỉ Đức Khổng Tử. Tử: thầy.
Khổng Tử là Thầy Khổng.
Tiểu sử của Đức Khổng Tử.

Sau đây là phần: Tiểu sử của Đức Khổng Tử.

Đức Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, sanh ngày 27 tháng 8 âm lịch năm Canh Tuất (551 trước Tây lịch), đời vua Châu Linh Vương năm thứ 21 nhà Châu, tương ứng với đời vua Lỗ Tương Công năm thứ 22, tại làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nước Lỗ, bây giờ là Tỉnh Sơn Đông nước Trung Hoa.

Đức Khổng Tử là dòng dõi của Vi Tử Khải và Vi Tử Diễn, hai người nầy là anh ruột của vua Trụ, con của vua Đế Ất nhà Thương (cũng còn gọi là nhà Ân).

Sau khi Châu Võ Vương diệt vua Trụ, mở ra nhà Châu, Ông Châu Công Đán cho Vi Tử Khải làm vua nước Tống, gọi là Tống Công, để trông nom việc tế tự các vua nhà Thương. Vi Tử Khải mất, em là Vi Tử Diễn lên thay.

Cháu 13 đời của Vi Tử Diễn là Thúc Lương Ngột, làm quan Đại phu nước Lỗ, là thân phụ của Đức Khổng Tử.

Ngài lấy họ Khổng, bởi vì Thúc Lương Ngột là dòng dõi của Khổng Phùng Thúc, biệt lập ra họ Khổng kể từ Khổng Phụ Gia, sau 5 đời Công Khanh thế tập ở nước Tống.

Thúc Lương Ngột có người vợ cả họ Thi, sanh được 9 người con gái, một người vợ lẽ sanh được một con trai nhưng bị què một chân, tên là Mạnh Bì, tự là Bá Ni.

Năm Thúc Lương Ngột 70 tuổi, sợ không có người kế tự, mới sai người đến nhà họ Nhan để cầu hôn. Họ Nhan có năm người con gái đều chưa gả chồng, có ý chê Thúc Lương Ngột quá già, mới bảo với các con gái rằng:

- Các con có đứa nào thuận kết duyên với quan Đại phu ở Châu Ấp đó không?

Bốn người con gái lớn đều làm thinh, người con gái út là Trưng Tại đứng dậy thưa rằng:

- Phép làm con gái, khi còn ở nhà thì theo lời cha, cha đặt đâu con xin ngồi đó.

Họ Nhan nghe con gái út nói thế thì lấy làm lạ, liền gả Trưng Tại cho Thúc Lương Ngột.

Trưng Tại đã kết duyên với Thúc Lương Ngột rồi, vợ chồng lo về sự hiếm hoi không có con trai nối dõi, nên cùng nhau vào núi Ni Sơn cầu tự. Khi Trưng Tại trèo lên núi Ni sơn, bao nhiêu lá cây đều rung động lên cả. Khi làm lễ cầu tự xong, đi trở xuống thì lá cây lại rủ xuống như cũ.

Đêm hôm ấy, Trưng Tại nằm mộng thấy Thần Hắc Đế triệu đến mà bảo rằng:

- Sau nầy, nàng sẽ sanh con Thánh, nhưng khi nào lâm sản thì nên vào ở trong hang núi Không Tang.

Đến khi nàng thức giấc tỉnh dậy thì biết mình có thai.

Một hôm khác, Trưng Tại mơ mơ màng màng như người chiêm bao, chợt thấy một Ông già đến đứng ở sân, tự xưng là Ngũ Tinh, dắt theo một con thú giống như con trâu con mà lại có một sừng, mình có vằn. Con thú ấy trông thấy Trưng Tại thì nằm phục xuống và nhả ra một cái ngọc xích, trên đó có đề chữ "Con nhà Thủy Tinh, nối đời suy Châu mà làm vua không ngôi."

Trưng Tại biết là điềm lạ, liền lấy dải lụa buộc vào sừng con thú ấy. Khi tỉnh dậy, Trưng Tại thuật điềm chiêm bao ấy cho chồng nghe. Thúc Lương Ngột nói:

- Con thú ấy là con kỳ lân.

Gần đến sản kỳ, Trưng Tại hỏi hang núi Không Tang ở đâu? Thúc Lương Ngột nói:

- Núi Nam sơn có một cái hang đá, tục gọi là hang Không Tang.

Trưng Tại liền sửa soạn đến đó ở và sanh đẻ trong hang Không Tang đúng theo lời Thần nhân mách bảo. Đêm hôm sanh ra Khổng Tử, có hai con rồng xanh từ trên Trời bay xuống nằm phục ở hai bên sườn núi và có hai vị Thần Nữ đem nước hương lộ đến gội đầu cho Trưng Tại. Gội xong thì biến đi. Khi Trưng Tại lâm sản, bỗng thấy trong hang đá có một suối nước nóng chảy ra để Trưng Tại tắm. Tắm xong thì suối cạn ngay.

Thúc Lương Ngột nói:

- Vì ta cầu tự nơi núi Ni Sơn mà được đứa bé nầy, nên ta đặt tên cho nó là Khâu, tự là Trọng Ni.

Trưng Tại biết đứa con nầy sẽ làm nên việc lớn, nên hết sức nuôi nấng và chăm sóc con.

Ông Khổng Tử có tướng lạ lắm: Môi như môi trâu, tay như tay hổ, vai như vai chim uyên, lưng rùa, miệng rộng, hầu lộ, trán phẳng và cao, khi lớn, mình cao 9 thước 6 tấc (thước Tàu), có tánh ham học.

Năm Khổng Tử lên 3 tuổi thì cha mất. Ngài sống với mẹ trong cảnh nhà nghèo. Khi lớn lên, mẹ cho đi học, Ngài chơi với trẻ hàng xóm, thích bày trò cúng tế.
Năm 15 tuổi, lập chí học tập.

Năm 19 tuổi, Ngài cưới vợ, vợ của Ngài là con của họ Thượng Quan nước Tống.

Năm 20 tuổi, vợ Ngài sanh đặng một con trai. Hôm đó, Lỗ Chiêu Công sai đem đến ban cho Ngài một con cá chép (Lý ngư), nên nhân đó, Ngài đặt tên con là Lý tự là Bá Ngư, để tỏ lòng tôn trọng vật của vua ban tặng. Về sau, Bá Ngư chết lúc 50 tuổi, chết trước Đức Khổng Tử. Con của Bá Ngư tên là Khổng Cấp, tự là Tử Tư, sau theo học với Tăng Sâm, rồi làm ra sách Trung Dung.

1. Đức tánh của Đức Khổng Tử:

Đức Khổng Tử là người rất thông minh, luôn luôn ham học. Bất cứ việc gì, Ngài cũng để ý xem xét rất kỹ lưỡng để biết cho cùng tận mới thôi. Tánh Ngài ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn luôn tin vào Thiên mệnh.

2. Thời kỳ tham chánh và dạy học:

Năm 21 tuổi, Đức Khổng Tử được cử làm chức Ủy Lại, một chức quan nhỏ coi việc sổ sách của kho lúa, cùng là cân đo và gạt lúa. Sau đó, qua làm chức Tư Chức Lại, coi việc nuôi bò, dê, súc vật dùng trong việc tế tự.

Năm Ngài 25 tuổi thì chịu tang mẹ.

Năm 29 tuổi, Ngài học đàn với Sư Tương, ở nước Lỗ.

Tuy làm chức quan nhỏ, nhưng Đức Khổng Tử đã nổi tiếng là người học rộng, biết nhiều, nên quan Đại phu nước Lỗ là Trọng Tôn Cồ, cho hai người con trai là Hà Kỵ và Nam Cung Quát theo Ngài học Lễ.

Đức Khổng Tử muốn đến Lạc Dương, kinh đô nhà Châu, để nghiên cứu về nghi lễ, chế độ miếu đường, nhưng vì nhà nghèo, không đủ tiền lộ phí, đành than thở mà thôi. Học trò Ngài là Nam Cung Quát nghe vây, liền về tâu với Lỗ Chiêu Công. Vua liền ban cho Ngài một cổ xe song mã và vài tên quân hầu cận để đưa Ngài và Nam Cung Quát đi Lạc Dương. Đến nơi, Đức Khổng Tử quan sát nhà Tôn miếu, nhà Minh đường, khảo cứu luật lệ và thư tịch đời cổ, đi xem Giao đàn là nơi nhà vua tế Thiên Địa và Tinh tú, rồi đến Xã đàn là nơi vua tế Thần Nông và Thần Hậu Thổ.

Nơi nào có quan hệ đến việc tế lễ thì Ngài đến quan sát và hỏi han cho tường tận.

Ngài đến gặp Trành Hoành để hỏi về Nhạc.

Khi ở Lạc Dương, Đức Khổng Tử còn tìm đến gặp Đức Lão Tử để hỏi về Lễ.

Đức Khổng Tử ở Lạc Dương khảo sát các việc xong thì trở về nước Lỗ.

Từ đó, sự học của Ngài càng rộng hơn nhiều nên học trò xin theo học càng lúc càng đông. Nhưng vua Lỗ vẫn chưa dùng Ngài vào việc nước.

Được mấy năm, trong nước Lỗ, Quý Bình Tử khởi loạn. Ngài theo Lỗ Chiêu Công tạm lánh sang nước Tề. Ở đây Ngài học được Nhạc thiều. Tề Cảnh Công mời Ngài tới để hỏi việc Chánh trị. Vua Tề rất khâm phục, muốn đem đất Ni Khê phong cho Ngài, nhưng quan Tướng Quốc nước Tề là Yến Anh ngăn cản không cho.

Năm sau, Ngài trở về nước Lỗ, thấy họ Quý dùng Dương Hổ để chuyên quyền, ý muốn tiếm đoạt. Ngài quay về quê lo việc dạy học, và nghiên cứu cho tường tận Đạo học của Thánh hiền. Lúc đó Ngài được 36 tuổi.

Đến năm thứ 9 đời vua Lỗ Định Công, Ngài được 51 tuổi, được vua Lỗ mời ra làm quan, phong cho chức Trung Đô Tể lo việc cai trị ở Ấp Trung Đô, tức là đất Kinh thành. Một năm sau, bốn phương lấy chính sự của Ngài làm khuôn mẫu.

Năm Lỗ Định Công thứ 10 (500 năm trước Tây lịch), Ngài phò vua Lỗ đi phó hội với Tề Cảnh Công ở Giáp Cốc. Nhờ tài ngôn luận và ứng đáp kịp thời, vua Tề rất khâm phục và trả lại cho nước Lỗ ba khoảnh đất ở Quy Âm mà Tề đã chiếm của Lỗ từ mấy năm trước.

Qua năm sau, Đức Khổng Tử giữ chức Tư Không, rồi thăng lên Đại Tư Khấu (Hình Bộ Thượng Thơ) coi việc hình án. Ngài đặt ra luật lệ để cứu giúp kẻ nghèo khổ, lập ra phép tắc, định việc tống táng, lớn nhỏ có trật tự, trai gái không lẫn lộn, gian phi trộm cắp không còn nữa, xã hội được an bình thạnh trị.

Sau 4 năm, Lỗ Định Công phong Ngài lên làm Nhiếp Tướng Sự (Tướng Quốc), coi việc Chánh trị trong nước.

Ngài cầm quyền được 7 ngày thì tâu với vua Lỗ xin giết gian thần Thiếu Chính Mão để chỉnh đốn quốc chính.

Đức Khổng Tử giết Thiếu Chính Mão:
Thiếu Chính Mão là một nịnh thần rất nguy hiểm dưới trào Lỗ Định Công. Bấy giờ, Đức Khổng Tử đang làm quan Tướng Quốc nước Lỗ. Quý Tôn Tư, một vị Đại Thần quyền thế trong triều, nhưng luôn luôn hỏi ý kiến của Đức Khổng Tử mỗi khi có một quyết định trong công việc trị nước. Nhưng phần Thiếu Chính Mão, khi Đức Khổng Tử nói ra câu gì thì liền gièm pha khiến người nghe phân vân và đôi khi bị mê hoặc.

Đức Khổng Tử mật tâu với Lỗ Định Công:

- Nước Lỗ không cường thịnh lên được là vì trung nịnh không phân biệt, thưởng phạt không nghiêm minh. Thí dụ như muốn trồng lúa tốt tất phải trừ bỏ cỏ xấu. Xin Chúa công cho đem các đồ phủ việt (dùng vào việc hình) trong nhà Thái miếu bày ra ở dưới Lưỡng quán để dùng vào việc hình.
Lỗ Định Công thuận cho.

Sáng hôm sau, Lỗ Định Công truyền cho các quan triều đình hội nghị để bàn việc phá thành ấp xem lợi hại thế nào. Các quan người nói nên phá, người nói không nên phá.

Thiếu Chính Mão đón ý Đức Khổng Tử, nói rằng:

- Phá thành có 6 điều tiện:
  1. Để tôn trọng quyền vua không ai bằng.
  2. Để tôn trọng cái quyền thế Đô thành.
  3. Để ức quyền tư môn.
  4. Để khiến cho kẻ gia thần lộng quyền không chỗ nương cậy.
  5. Để yên lòng ba nhà: Mạnh, Thúc, Quý.
  6. Để khiến cho các nước nghe việc nước Lỗ ta làm mà phải kính phục.
Đức Khổng Tử tâu với Lỗ Định Công:

- Thành ấp nay đã thế cô còn làm gì được, huống chi Công Liễm Dương vẫn có lòng trung với vua, sao dám bảo là lộng quyền. Thiếu Chính Mão dùng lời nói khéo để làm loạn chánh trị, khiến vua tôi ly gián, cứ theo phép thì nên giết.

Các quan trong triều tâu:

- Thiếu Chính Mão là người danh giá ở nước Lỗ ta, dầu có nói lầm đi nữa cũng chưa đến tội chết.

Đức Khổng Tử lại tâu với Lỗ Định Công:

- Thiếu Chính Mão là người dối trá mà lại biện bác, làm người ta mê hoặc. Nếu không giết đi thì việc chánh trị không thi hành nổi. Xin Chúa Công cho đem phủ việt ra để trị tội.
Đức Khổng Tử truyền cho lực sĩ trói Thiếu Chính Mão đem đến Lưỡng quán mà giết đi.

Các quan trong triều đều sợ hãi, xám xanh cả mặt. Ba nhà: Mạnh, Thúc Quý, trông thấy cũng đều kinh sợ.

Từ khi giết xong Thiếu Chính Mão, Lỗ Định Công và ba nhà Mạnh, Thúc, Quý mới một lòng nghe theo lời của Đức Khổng Tử. Nhờ vậy, Đức Khổng Tử chỉnh đốn kỷ cương trong nước, dạy dân những điều lễ, nghĩa, liêm, sĩ, nên dân không còn nhiễu loạn mà chánh trị mỗi ngày một hay.

Ba tháng sau, phong tục biến cải cả: Các nhà buôn gà và heo không dám nhồi cám để dối người mua, trong khi ra đường, trai gái đi phân biệt nhau, không hỗn loạn, thấy của rơi ngoài đường thì không ai lượm, người nước khác du lịch đến nước Lỗ được tiếp đãi tử tế, không để cho thiếu thốn.

Dân nước Lỗ có làm một bài ca để tán tụng công đức của Khổng Tử. Bài ca ấy được truyền tụng sang nước Tề.

Tề Cảnh Công lo ngại nói rằng:

- Nước Lỗ biết dùng Khổng Khâu ắt nên nghiệp Bá, tất họa đến nước Tề, ta biết làm thế nào?

Quan Đại Phu Lê Di tâu rằng:

- Chúa Công lo nước Lỗ biết dùng Khổng Khâu, sao không lập cách ngăn đi.

Tề Cảnh Công nói:

- Nước Lỗ giao quyền chánh trị cho Khổng Khâu, ta dùng cách gì mà ngăn trở được?

Lê Di tâu:

- Tính con người ta, hễ được cường thịnh tất sanh lòng kiêu mạn. Xin Chúa Công lập một Bộ Nữ Nhạc mà đem dâng vua Lỗ. Vua Lỗ mà nhận Bộ Nữ Nhạc tất sanh lười biếng mà chán Khổng Khâu. Bấy giờ tất Khổng Khâu phải bỏ nước Lỗ mà đi, Chúa Công mới có thể ngồi yên được.

Quả vậy, Lỗ Định Công, không nghe lời can gián của Đức Khổng Tử, nhận Bộ Nữ Nhạc thì mê say theo, bỏ bê việc triều chánh, có khi luôn 3 ngày không ra coi triều, mọi việc đều giao cả cho Họ Quí. Đức Khổng Tử can gián vua Lỗ nhiều lần nhưng không được, lại có thể bị hại vì lời gièm siễm của bọn gian thần.

Do đó, trong ngày Lễ Tế Giao, vua Lỗ không nhìn đến, cũng không đem phần thịt tế biếu cho các quan Đại Phu. Đức Khổng Tử nhân việc lỗi nhỏ của vua Lỗ mà xin từ chức, bỏ nước Lỗ đi chu du các nước chư hầu.

3. Thời kỳ chu du các nước chư Hầu:

Đức Khổng Tử cùng các học trò đi qua các nước: Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở, để mong thuyết phục các vua chư Hầu chịu đem cái Đạo của Ngài ra ứng dụng để đem lại thái bình thạnh trị cho dân chúng. Nhưng cái Đạo của Ngài là Vương Đạo nên đi ngược ý đồ Bá Đạo của các vua chư Hầu và quyền lợi của các quan Đại phu nên các vua chư Hầu đều không dám dùng Ngài.

Rốt cuộc, sau 14 năm đi chu du các nước không thành công, Ngài phải trở về nước Lỗ, có quan Đại Phu Quý Khang Tử sai Công Hoa ra đón Ngài.

Phu nhân của Đức Khổng Tử là bà Thượng Quan đã mất trước đó một năm, nhằm năm Lỗ Ai Công thứ 10.

4. Đức Khổng Tử gặp Thần đồng Hạng Thác:

Đức Khổng Tử cùng một số học trò, trên đường qua nước Trần, gặp một đám trẻ nhỏ chơi đùa giữa đường. Ngài ngồi trên xe nhìn đám trẻ, thấy một cậu bé cặm cụi lấy cát đắp một cái thành nhỏ mà không đùa giỡn. Ngài hỏi cậu bé:

- Sao cậu không chơi đùa với mấy đứa trẻ kia?

Cậu bé đáp:

- Đùa giỡn thì vô ích, vì có thể bị rách áo quần, nhọc công mẹ vá, lại buồn lòng cha, nên tôi không giỡn.

Nói xong, cậu tiếp tục lo đắp thành. Đức Khổng lại hỏi:

- Cậu không tránh cho xe của tôi đi sao?

Cậu bé thản nhiên đáp:

- Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chớ có bao giờ thành tránh xe.

Đức Khổng Tử nghe cậu bé trả lời một câu bất ngờ và hay quá, liền xuống xe lại gần cậu hỏi nhiều điều khó khăn, được cậu trả lời thông suốt, sau đó cậu hỏi lại Đức Khổng Tử mấy câu mà Ngài không trả lời được, khiến Ngài rất phục cậu bé, tôn cậu bé làm thầy. Cậu bé ấy là Thần đồng Hạng Thác.

"Lúc Khổng Tử dạy về Nhơn đạo thời chưa thông Thiên đạo, còn dùng tửu nhục. Đến khi ngộ đạo cùng Hạng Thác thì trì trai thủ giới, nên mới có câu: Thiên sanh Khổng Tử chơn kỳ trí, tánh mạng công phu thỉ bất minh, vãng Trần lộ ngộ Hạng Thác vi sư, lão tác đồ ty thiếu vi tôn, cùng câu: Trai minh thạnh phục, yết dục dưỡng tinh.Sau ngươi Châu Tử chẳng thông thời vụ, học Trung Dung chưa rồi mà luận đến Thiên đạo, lại chê Khổng Tử, Lão Tử rằng luận thuyết hư vô tịch diệt là dị đoan. Có phải ấy là ếch nằm đáy giếng xem trời nhỏ chăng?" (Đại Thừa Chơn Giáo)

Đức Khổng Tử ở Nhơn đạo, nhờ Thần đồng Hạng Thác mà Ngài giác ngộ, tu theo Thiên đạo nên trường trai, tuyệt dục, dưỡng Tinh luyện đạo, đắc phẩm Chí Thánh.

5. Thời kỳ soạn sách và dạy học trò:

Khi trở về nước Lỗ, Đức Khổng Tử đã 68 tuổi. Ngài trở lại quê nhà để mở mang việc dạy học và soạn sách.

Tổng số môn đệ của Đức Khổng Tử có lúc lên tới 3000 người (Tam thiên đồ đệ), trong đó có 72 người được liệt vào hạng tài giỏi, nên gọi là Thất thập nhị Hiền.

Đức Khổng Tử san định lại các kinh sách của Thánh Hiền đời trước như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch.

Ngài ghi chú các lời nói của Thánh Hiền đời trước, xếp đặt lại cho có thứ tự, chú thích những chỗ khó hiểu, nhất là với Kinh Dịch, Ngài chú giải rất kỹ.

Sau đó, Đức Khổng Tử viết ra sách Xuân Thu, chép những việc của nước Lỗ và của nhà Châu (Chu) liên hệ với các nước chư Hầu từ đời Lỗ Ẩn Công nguyên niên (721 trước Tây lịch) đến đời Lỗ Ai Công thứ 14 (481 trước Tây lịch), tổng cộng là 242 năm. (Xem chi tiết nơi phần sau: Khổng Tử tác Xuân Thu)

Đức Khổng Tử là bậc Chí Nhân Chí Thánh, nhưng Ngài vẫn khiêm tốn không dám nhận mình là Thánh nhân.

Đối với các môn đệ, Ngài rất dễ dãi. Hễ ai theo đúng lễ đến xin học thì Ngài không bao giờ từ chối. Ngài thâu nhận học trò, không kể giàu nghèo, con quan hay con dân. Ngài mở ra một nền giáo dục bình dân đại chúng, đào tạo được một lớp người trí thức mới, tài giỏi và có đức hạnh trong giới bình dân.

Sự giáo hóa của Ngài chủ yếu là làm sao cho sáng tỏ cái đức sáng của người, chớ không gom vào trong sự truyền thụ kiến thức. Đây là một phương pháp giáo dục rất hay để khai mở cái Tâm của con người vậy.

6. Đức Khổng Tử tạ thế:

Mùa Xuân năm Lỗ Ai Công thứ 14 (481 trước Tây lịch), người nước Lỗ đi săn bắt được một con kỳ lân què chân trái phía trước. Đức Khổng Tử đến xem rồi bưng mặt khóc. Khi trở về, Ngài than rằng: Ngô đạo cùng hỹ! (Đạo của ta đến lúc cùng)

Sách Xuân Thu chép đến chuyện nầy thì hết, nên đời sau còn gọi sách Xuân Thu là Lân Kinh.

Năm Nhâm Tuất đời Lỗ Ai Công thứ 17 (479 trước Tây lịch), một hôm Đức Khổng Tử chống gậy đi tản bộ trước nhà, vừa đi vừa hát: Thái sơn kỳ đồi hồ! Lương mộc kỳ hoại hồ! Triết nhân kỳ nuy hồ! (Núi Thái sơn đổ ư! Cây gỗ tốt hư hoại ư! Triết nhân mòn mỏi ư!)

Học trò của Ngài là Tử Cống liền đến hỏi thăm Ngài. Ngài nói: Ta biết mình sắp chết.

Đến ngày Kỷ Sửu, tức là ngày 18 tháng 2 năm Nhâm Tuất, Đức Khổng Tử tạ thế, hưởng thọ 73 tuổi. Mộ của Ngài ở bên bờ sông Tứ Thủy, phía Bắc thành nước Lỗ, nay gọi là Khổng Lâm, thuộc huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông.

Ba ngàn đồ đệ của Ngài đều thương tiếc và than khóc, nguyện để tang Thầy 3 năm. Có hơn 100 môn đệ làm nhà chung quanh phần mộ để lo phụng tự trong 3 năm, riêng Tử Cống ở đó hết 6 năm mới thôi.

Chu vi đất quanh mộ của Đức Khổng Tử rộng chừng 100 mẫu mà không hề có cây gai và cỏ may mọc. Học trò bảo nhau đi tìm các thứ hoa thơm cỏ lạ ở các nơi đem về trồng khắp chung quanh.

7. Các triều đại phong tặng Đức Khổng Tử:

- Năm 739, vua Đường Huyền Tôn phong tặng Đức Khổng Tử là Văn Tuyên Vương, mặc phẩm phục Hoàng đế, tặng cho các đệ tử các tước: Công, Hầu, Bá.

- Năm 1008, vua Tống Chân Tông phong Ngài là: Đại Thánh Văn Tuyên Vương, phong cho thân phụ Ngài là Lỗ Công, thân mẫu Ngài là Lỗ Phu Nhân, vợ là Bà Thượng Quan Thị làm Vân Phu Nhân, và ra lịnh cho các tỉnh lập miếu thờ Ngài.

- Năm 1306, vua Minh Thế Tông phong tặng Ngài là Chí Thánh Tiên Sư.- Năm 1645, vua Thanh Thế Tổ phong Ngài là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Thánh Sư Khổng Phu Tử.

8. Văn miếu:

Văn miếu hay Văn Thánh miếu là tòa nhà dựng lên để làm Đền thờ Đức Khổng Tử và các môn đệ của Ngài cùng với các Tiên hiền, Tiên nho qua các thời đại gồm:

a. Tứ Phối: Bốn vị Thánh cùng được phối hưởng cúng tế với Đức Khổng Tử. Tứ Phối gồm:
  • Phục Thánh Nhan Tử (Nhan Hồi)
  • Tông Thánh Tăng Tử (Tăng Sâm)
  • Thuật Thánh Tử Tư (Khổng Cấp)
  • Á Thánh Mạnh Tử (Mạnh Kha)
b. Thập Triết: Mười vị Hiền triết, học trò tài giỏi nhứt của Đức Khổng Tử. Thập Triết gồm:
  • Mẫn Tổn (Mẫn Tử Khiên)
  • Bá Ngưu (Nhiễm Canh)
  • Trọng Cung (Nhiễm Ung)
  • Tể Dư (Tử Ngã)
  • Đoan Mộc Tứ (Tử Cống)
  • Nhiễm Cầu (Tử Hữu)
  • Trọng Do (Tử Lộ)
  • Ngôn Yển (Tử Du)
  • Bốc Thương (Tử Hạ)
  • Chuyên Tôn Sư (Tử Trương).
c. Thất thập nhị Hiền: 72 vị học trò giỏi của Đức Khổng Tử, nhưng ở dưới Thập Triết một bực.

Nói là Thất thập nhị Hiền, chớ thật ra chỉ có 62 vị, vì trong Thất thập nhị Hiền có Thập Triết, nên phải trừ ra 10 vị.

d. Tiên Hiền, Tiên Nho: gồm 120 vị, qua các triều đại từ xưa đến nay.

9. Đức Khổng Tử trong Đạo Cao Đài:

Đức Khổng Tử là một Đấng Giáo chủ trong Tam giáo thuộc thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Nhờ Đức Khổng Tử mà Nho giáo mới được hưng hạnh, và trở thành một học thuyết triết học nhân sinh có hệ thống chặt chẽ và hoàn hảo, chủ yếu dạy về Nhơn Đạo (Đạo làm Người). Không có một giáo thuyết nào dạy Nhơn Đạo hoàn hảo bằng Nho giáo.

Trong Kinh Cúng Tứ Thời của Đạo Cao Đài có bài Kinh Nho giáo để xưng tụng công đức của Đức Khổng Tử.

Ngày Đại Lễ Vía Đức Khổng Tử được chọn là ngày giáng sanh của Đức Khổng Tử, đó là ngày 27 tháng 8 âm lịch. Hằng năm, khi đến ngày nầy, tại Toà Thánh và các Thánh Thất địa phương đều có thiết lễ Đại Đàn cúng Vía Đức Khổng Tử, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại Tiểu sử của Ngài, và nói về sự ích lợi của Nho giáo đối với sự ổn định trật tự trong gia đình và ngoài xã hội.

Do đó, Đức Chí Tôn mới có chủ trương NHO TÔNG CHUYỂN THẾ, tức là dùng tinh hoa của Giáo lý Nho giáo để dạy dỗ người đời, tái lập trật tự và đạo đức trong xã hội.

Trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế, Đức Khổng Tử có giáng cơ dạy Đạo.

Sau đây, xin chép lại bài Thánh giáo nầy của Ngài:

Ngày 17 tháng Giêng năm Nhâm Thân (1932).THI:

NGÃ dĩ từ chương giáo nghĩa phương,
KHỔNG văn hoằng hóa sự luân thường.
PHU thê, phụ tử, quân thần đạo,
TỬ đệ phùng thời độ thiện lương.

DIỄN DỤ:Các sĩ cùng chư khanh nghe rõ: việc Tam giáo hiệp nhứt.

Từ mới mở mang Trời Đất đã có Đại Đạo. Tam giáo vốn một nhà, đời sau chia làm ba, chớ kỳ trung một bổn, kẻ thế không thông hiểu nên tranh luận giành điều chơn giả với nhau hoài. Những người xưng mình là Minh Sư, thọ truyền cho đồ đệ, thì mỗi người cũng muốn khoe tài mình mà truyền khẩu với chúng sanh rằng, đạo mình chánh, đạo khác thì tà: Té ra, mình là manh sư gạt chúng.

Nếu Đạo Tiên, Đạo Phật mà không dùng văn chương thì lấy chi mà tả kinh diễn kệ. Còn học Nho mà không học Đạo thì ra người cuồng sĩ kiêu căng.

Vậy khuyên mấy sĩ Ba Đạo cũng đồng tìm kiếm gốc cho minh chơn lý, đặng trước độ mình, sau độ chúng. Vậy mới gọi là Chánh kỷ hóa nhơn. Thi rằng:

Tam giáo từ xưa vốn một nhà,
Người sau lầm tưởng, vọng chia ba.
Minh tâm may hiểu đường chơn giả,
Mẫn tánh mới thông nẻo chánh tà.
Thích, Đạo tỷ như hành bộ khách,
Nền Nho ví tợ chiếc đò qua.
Muôn ngàn kinh kệ do nơi chữ,
Tam giáo từ xưa vốn một nhà.
                     KHỔNG PHU TỬ
(http://vietsciences.free.fr/biographie/artists/writers/duckhongtu.htm)
Đức Nguyên Nguyễn Văn Hồng




1 comment:

  1. Đây là nhân vật lịch sử Trung Quốc đã quá quen thuộc với chúng ta, đặc biệt là những người yêu thích văn học và lịch sử Trung Quốc.

    ReplyDelete